Dân Việt

Quyết liệt ứng phó bão số 1

17/07/2010 07:21 GMT+7
(Dân Việt) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-7, các địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung Bộ đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1.
img
Người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) neo đậu tàu thuyền tránh bão (ảnh chụp chiều 16-7).

Nam Định: Trực cứu úng 56.000ha lúa

Được xác định là vùng tâm bão có khả năng đổ bộ, chiều qua tỉnh Nam Định đã huy động và triển khai các lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị và gia cố tuyến đê biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu tại vị trí cống Phú Lễ, đảm bảo chống tràn và tiêu úng lượng mưa 250mm.

Ông Đỗ Văn Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều Nam Định: Chúng tôi đã thông tin tới 2.365 tàu thuyền trong đó có 300 tàu đánh bắt xa bờ, họ đã tìm kiếm chỗ trú bão an toàn. Tỉnh vừa có công điện cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi trong những ngày mưa bão.

Điều lo lắng nhất là 56.000ha lúa mới gieo cấy có thể bị xoá sổ bởi mưa bão. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các công ty thuỷ nông túc trực tiêu nước chống úng cứu lúa. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Điện lực tỉnh phải đảm bảo điện để các công ty thuỷ nông bơm nước tiêu úng cho lúa.

Ngay trong ngày 16-7 tất cả các đoàn của Bộ NN&PTNT cũng như của tỉnh Nam Định đã có mặt ở các tuyến đê xung yếu để đôn đốc công tác hộ đê. Đối với các công trình đê đang thi công dở (đặc biệt là công trình cầu Châu Trịnh của huyện Hải Hậu) các Ban quản lý công trình đã lên phương án bảo vệ đê.

Cống Phú Lễ thuộc thị trấn Thịnh Long cũng đang thi công dở, nếu lượng mưa lên tới 250mm tỉnh sẽ cho cắt hai đoạn đường thuộc tuyến đê này để đảm bảo an toàn.

Thanh Hoá: Kiểm tra toàn bộ hồ chứa, đê điều

Tính đến 15 giờ chiều 16-7, Thanh Hóa đã có 8.636 tàu thuyền với 28.352 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn ở các bến trong tỉnh cũng như các địa phương khác (đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Nam Định, Hà Tĩnh...).

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, nhất là các công trình trọng điểm phòng chống bão lụt như đê sông Mã, sông Lèn, sông Cầu Chày, sông Chu...; rà soát lại các phương án di dân, sơ tán dân...

Riêng hồ chứa nước Cửa Đạt, ngay trong chiều 16-7 được triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão đã được duyệt.

Tại huyện ven biển Hậu Lộc, chiều 16-7 Ban phòng chống bão, lụt địa phương này đã khẩn trương chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó với bão.

Chủ tịch huyện yêu cầu các địa phương, đặc biệt là 6 xã ven biển gồm: Đa Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc và Hòa Lộc tìm mọi biện pháp kêu gọi tàu, thuyền đang còn hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn, không cho tàu đậu ở khu vực bãi ngang mà phải đưa vào khu tránh bão tại kênh cầu De ngay trong đêm 16-7.

Đồng thời, phân công cán bộ trực bão phải rà soát, yêu cầu tất cả lao động trên các chòi canh nuôi trồng thủy sản vào bờ; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân ngay trong đêm 16-7.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của NTNN tại xã Ngư Lộc, lúc 16 giờ chiều 16-7, mặc dù trời đã bắt đầu mưa, nhưng đa số người dân ở đây vẫn còn chủ quan về tình hình cơn bão.

Theo quan sát của phóng viên, chỉ những người có tàu, thuyền neo đậu ở dưới bến mới thực sự khẩn trương neo buộc, chằng chống khối tài sản của mình đang nổi trên biển. Còn ở trên bờ, nhiều người dân khi được hỏi về cơn bão, vẫn thản nhiên cho rằng, theo kinh nghiệm thì bão sẽ không vào Thanh Hóa.

Hải Phòng: Di dời 800 dân ở Cát Hải

Không để bị động như cơn bão số 6, năm 2005 (cuốn phăng hàng trăm nóc nhà và tài sản của nhân dân). Lần này, kế hoạch di dân tuyên truyền đã được UBND huyện Cát Hải triển khai từ khi bão xuất hiện ngoài Biển Đông. Đối với vùng có nguy cơ không an toàn, huyện đã thông báo và lên kế hoạch di chuyển trên dân.

Tại buổi họp khẩn cấp chiều 16-7 ông Bùi Trung Nghĩa- Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Phòng chống lụt bão huyện Cát Hải chỉ đạo các phòng, địa phương chuẩn bị các điểm cao để di dân và quan trọng là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.

Ông Vũ Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Hải, cùng lãnh đạo các xã trên đảo cho biết thêm, riêng đảo Cát Hải đã huy động được trên 500 phương tiện cứu hộ, hàng chục tấn lương thực và trên 200 thùng mỳ tôm. Con số này có thể đảm bảo tương đối an toàn cho nhân dân qua cơn bão.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, khi có tình huống xấu xảy ra, mì tôm sẽ là nguồn lương thực hữu hiệu nhất, nhưng với số lượng này có thể đáp ứng không đủ nhu cầu. Mặt khác, nếu nước sinh hoạt không được đảm bảo thì tình trạng dân lại phải uống nước lã và ăn mì tôm sống là khó tránh khỏi.

Tin tưởng vào sự chỉ huy của Ban chỉ đạo huyện, nhân dân khu vực có khả năng phải di dời đã chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh. Chị Nguyễn Thị Viền, xã Hoàng Châu bình tĩnh: “Được sự hướng dẫn nhiệt tình của chính quyền, nhân dân chúng tôi đã sẵn sàng. Khi có thông báo, cứ thế là dân chúng tôi lên đường thôi.” Theo kế hoạch, nếu diễn biến bão phức tạp huyện Cát Hải sẽ di chuyển gần 800 người dân.

Ông Bùi Trọng Tuấn- Giám đốc Sở NN & PTNN, Trưởng ban Phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng cho biết, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 1 tại các địa phương của Hải Phòng đến thời điểm tối 16-7 được chuẩn bị khá tốt.

Hà Nội: Sẵn sàng tiêu thoát nước

Ông Nguyễn Lê – Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Ngay từ sáng 16-7, cán bộ nhân viên công ty đã triển khai nạo vét các hệ thống cống thoát nước như hầm đường bộ Kim Liên, hồ Thiền Quang... Ngay cả hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất đang trong giai đoạn nạo vét nhưng chúng tôi quyết định vận hành máy bơm, bơm nước từ các mương nhỏ của Hà Nội vào để chuẩn bị đón đợt mưa lớn nếu bão vào đất liền. Trạm bơm Yên Sở cũng sẵn sàng cho công tác thoát nước của cả Hà Nội”.

Trên những tuyến đường đang thi công hệ thống thoát nước cũng được mở để chuẩn bị thoát nước.

Cũng trong chiều 16-7, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã họp khẩn cấp lên phương án ứng trực trong điệu kiện Hà Nội mưa lớn, gió to khi bão vào đất liền. Theo đó, công ty này sẽ huy động 100% quân số tham gia ứng trực từ 17 giờ chiều 16-7 đến khi công ty có thông báo dừng.

* Tại Quảng Trị, công tác di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền, 2.600 hộ dân sẽ được nhanh chóng di dời đến nơi trú tránh bão an toàn.

* Thông tin từ Trung tâm PCLB và TKCN miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng vẫn còn 123 tàu cá (với 1.333 lao động) còn hoạt động trên biển. Trong đó có 1 tàu (27 lao động) ở khu vực quần đảo Trường Sa, 121 tàu (1.300 lao động) đánh bắt gần bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng và 1 tàu (6 lao động) ở vùng biển Thanh Hoá.