Nụ cười đầy bí ẩn của nàng Mona Lisa - một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới của danh họa người Italia Leonardo da Vinci – vẫn mãi là một ẩn số gây tranh cãi cho những người làm nghệ thuật.
Song mới đây, các nhà khoa học Pháp đã nghiên cứu 7 bức tranh của danh họa Leonardo da Vinci tại Bảo tàng Louvre, gồm cả bức nàng "Mona Lisa", để phân tích phương pháp sử dụng sơn màu bậc thầy của ông đã cho ra đời tác phẩm với chất lượng “trong mơ’ của bao thế hệ họa sỹ.
Bằng việc sử dụng máy quang phổ huỳnh quang để nghiên cứu các lớp sơn và các thành phần hóa học chứa trong đó, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phục hồi thuộc Viện bảo tàng Pháp đã phát hiện danh họa da Vinci vẽ đến 30 lớp sơn trên tác phẩm của mình để đạt được sự tinh tế trên từng đường nét.
Theo nhà nghiên cứu Philippe Walter,“mỗi lớp sơn chỉ mỏng hơn 40 micrometers, khoảng một nửa độ dày sợi tóc chúng ta. Kỹ thuật này được gọi là "sfumato", cho phép Leonardo vẽ phác thảo và các nét mờ, tạo nên ảo giác về chiều sâu và bóng tối”.
Với những công cụ đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu khuôn mặt bức chân dung Mona Lisa, được cho là sử dụng kỹ thuật sfumato, các nhà khoa học đã có thể tìm ra được sự pha trộn của các sắc tố mà danh họa sử dụng trong mỗi lớp sơn. Theo ông Walter, “điều này vô cùng quan trọng để hiểu về kỹ thuật khi vẽ”.
“Phân tích các bức tranh khác nhau của Leonardo cũng cho thấy ông không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra các phương pháp vẽ mới. Trong "Mona Lisa", ông được sử dụng mangan oxit để tạo bóng. Nhưng ở những bức khác, ông lại sử dụng đồng. Thường thì ông sử dụng nước bóng cho tranh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy”, ông Walter nói thêm.
Giorgio Vasari, một họa sĩ thế kỷ 16 và là người viết tiểu sử của Leonardo cho rằng bức tranh “Mona Lisa” vẽ bà Lisa Gherardini, vợ của thương gia Francesco del Giocondo Florentine. Leonardo bắt đầu vẽ bức tranh từ năm 1503 và hoàn thành nó sau 4 năm.
Tố Nguyên