Dân Việt

Người Jrai và hành trình đến Tết...

Ngọc Tấn 26/01/2014 08:42 GMT+7
Cách nay chừng mươi năm, Tết Nguyên đán vẫn còn là điều bỡ ngỡ với hầu hết người Jrai nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung. Giờ bà con đã cùng đón Tết, hòa nhập niềm vui cùng cả nước. Với người Jrai, hành trình ấy cũng có nhiều chuyện vui đáng kể…
Lạ lùng tết mới, bánh ngon

Người Jrai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung không có tết với nghĩa mừng một mùa xuân mới đến. Sau 10 tháng quần quật trên rẫy nương, họ bước vào 2 tháng “ăn chơi” gọi là mùa Ning nơng. Những ngày này các Yang – từ Yang núi, Yang đất đến Yang xó nhà cùng được mời về dự các lễ ăn cơm mới, mừng nhà mới… Đầu buôn cuối làng, cảnh tượng những hình người đi đứng dặt dẹo, chân nam đá chân chiêu rồi vật ra bên vệ đường ngủ một cách hồn nhiên chẳng phải là chuyện hiếm. Nhưng dẫu vậy thì đó cũng không phải là tết…

Ché rượu cần không thể thiếu trong các ngày lễ, tết của  người Jrai.
Ché rượu cần không thể thiếu trong các ngày lễ, tết của người Jrai.

Sau giải phóng, khi những nông – lâm trường được thành lập; những cuộc di dân đổ vào Tây Nguyên – trừ các vùng xưa là căn cứ cách mạng đã mang tết vào theo. “Tết” với những phong tục của người Kinh đều quá ư lạ lẫm đối với đồng bào dân tộc. Bà con rất háo hức muốn biết nhưng tất nhiên được mời dự “Tết Kinh” phải là những ai bạn bè thân thích, anh em kết nghĩa hay những người có mối quan hệ buôn bán đổi chác…

Thoạt đầu hễ một người được mời, bà con kéo đến hàng chục người. Thói quen cộng đồng của đồng bào một người có lễ cúng, cả làng cùng tham dự mà! Điều này khiến gia chủ ngỡ ngàng, thậm chí là khó chịu – nhất là sáng mùng 1, chưa ai xông đất đã thấy cả đoàn người lạ lẫm kéo đến. Đã vậy vào cuộc là phải uống say, không say không về. Về, lại phải có quà mang cho người ở nhà nữa…

Ngày hội văn hóa của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pah, Gia Lai.
Ngày hội văn hóa của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pah, Gia Lai.

Trừ rượu thịt, các món ăn ngày tết của người Kinh bấy giờ đều lạ và ngon đối với đồng bào dân tộc. Đặc biệt là món bánh tét thì quả là “jơman đơi !” (quá ngon). Người Jrai vốn không biết làm bất cứ một thứ bánh gì. Với gạo nếp, họ cũng chỉ biết nấu thành cơm hoặc cho vào ống nứa nướng lên thành cơm lam. Bởi vậy mà hương vị của nếp với thịt heo, đậu xanh béo ngậy quả là hấp dẫn… Tuy nhiên lần đầu nghe người Kinh kêu từ “bánh tét” đồng bào đều ngơ ngác, chẳng hiểu sao một thứ bánh ngon như thế mà cái tên lại… rất tục? Thì ra “tét” vốn đồng âm với “a tet” tiếng Jrai – từ chỉ bộ phận sinh dục nữ (!). Sau khi đã hiểu “trời sinh ra thế”, thay vì mời nhau “bâng banh tét bé’’, họ bèn sử dụng song ngữ “bâng bánh điếu” (mời ăn bánh nếp) để tránh cái từ “nhạy cảm” kia đi !

Nhưng sống gần nhau lâu rồi cũng hiểu nhau. Sau các đợt “tự tuyên truyền vận động”, bà con cũng biết các tục kiêng cữ của người Kinh và những điều tế nhị với khách khứa trong dịp Tết. Họ nhắc nhau đừng vi phạm để đảm bảo “hem klă” (sự tốt lành) cả năm cho anh em kết nghĩa, bạn bè, người quen…

Những thú vui dịp Tết


Bây giờ thì chưa hẳn buôn làng nào, gia đình nào cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán nhưng hòa nhập vào không khí tết nhất thì đã là chuyện bình thường rồi… Những tháng trước tết, khi các làng người Kinh “chạy nước rút” để kiếm tiền sắm sửa thì ở các thôn buôn, đồng bào cũng âm thầm kiếm tiền để “nao ngui tết” (đi chơi tết). Háo hức nhất có lẽ vẫn là lũ trẻ con. Khắp các tuyến đường, các bãi chăn thả gia súc, từng tốp trẻ đầu trần chân đất, vai mang bao tải cần mẫn đi nhặt từng mẩu phân bò. Phân bò bây giờ rất có giá (chẳng thế mà có chuyện rằng tại cuộc họp giao ban, một lãnh đạo xã đã “tham mưu” tăng nguồn thu cho huyện: Ở ta lâu nay có một thứ rất dễ “ăn” – đó là phân bò. Thế mà lâu nay huyện không “ăn”, cứ để cho con buôn “ăn” miết miết (!)…

Với việc hòa nhập vào Tết Nguyên đán, có thể nói quan niệm “vạn vật hữu linh” của đồng bào đã có rất nhiều thay đổi. Tết Nguyên đán không chỉ góp thêm sự phong phú trong đời sống tinh thần cho đồng bào mà còn củng cố thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên cao nguyên hùng vĩ…

Vào Tết, bây giờ không ít gia đình đồng bào cũng tổ chức mổ heo, gói bánh tét, bày bàn thờ như hệt người Kinh; song xem ra chuyện ăn uống với đồng bào không thú bằng chuyện đi chơi. Và trong chuyện đi chơi thì hai cái thú bậc nhất với họ là quay lô tô và “phim rúp” (chụp ảnh). Chơi lô tô thì chẳng mấy khi thắng nhưng đồng bào – nhất là đám thanh niên, vẫn cứ lăn vào bởi sự câu thúc hấp dẫn của một trò đánh bạc. Còn chụp ảnh thì khỏi nói bởi nó là “thú vui truyền thống”. Với quan niệm “người già nhưng ảnh không già”, thời còn rất khổ đồng bào vẫn sẵn lòng đổi gà, đổi gạo cho các tay chụp ảnh dạo để được “phim rúp”. Cũng bởi quá đam mê cái thú này mà thời đó có một gã thợ ảnh láu cá đã lợi dụng để lừa đồng bào. Cứ mỗi lần chụp, gã thường dụ bà con vào chụp chung. Mỗi tấm ảnh bấy giờ giá 5 đồng nhưng hễ có bao nhiêu người cùng chụp là gã cứ nhân lên bấy nhiêu để tính tiền. Gã bảo: “Chụp nhiều người cái máy phải làm việc nhiều hơn, người chụp cũng khó hơn”. Vậy là bà con đều tin và chẳng ai thắc mắc gì…

Và bây giờ cái thú vui ấy xem ra vẫn chưa mấy giảm sút… Biết vậy, nơi nào có cảnh đẹp là các “phó nháy” đều chực sẵn để lôi kéo, chào mời… Việc chỉnh trang để “phim rúp” của đồng bào xem ra người Kinh cũng phải chịu thua xa. Người già, cánh thanh niên thì thuê comple, caravate; các cô gái thì váy tầng, phấn son, tóc chải model như diễn viên… Không cần mặc cả, không tiếc tiền để được ngắm mình trong ảnh có thể nói là một thú vui tinh thần của đồng bào ít có ai sánh nổi…

Trong chuyện đồng bào Jrai đón Tết có lẽ cũng phải kể đến một đối tượng “hơk kơdơk” (nô nức, vui sướng) là đám trẻ con. Trẻ con Jrai vốn rất được nuông chiều. Rất hiếm khi thấy đồng bào – nhất là phụ nữ cầm roi đánh con. Nếu chúng có khóc quấy, họ cũng chỉ dùng đến biện pháp hù dọa hoặc dỗ ngọt bằng việc cho quả rừng, con dế (để nướng ăn). Thường thì quanh năm trẻ con Jrai không biết chơi gì. Chúng được giáo dục và làm quen với công việc rẫy nương từ rất sớm. Trong ba ngày tết, để bù lại những thiệt thòi cho lũ trẻ, người lớn chẳng tiếc tiền mua những gì mà chúng yêu cầu- bóng bay, súng nhựa, rô-bốt… Đặc biệt là được ăn món chúng ao ước là phở. Ở làng thì làm gì có phở, phải ra trung tâm xã đôi khi mới có và phần lớn thì chỉ là thứ phở “ăn no vác nặng”. Bởi vậy được thưởng thức bằng thích món chúng khoái khẩu là niềm vui có thể nói là lớn nhất mà chúng mong đợi mỗi dịp tết về…