Các công trình khí sinh học đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân và cộng đồng. |
Dự án hỗ trợ Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi vừa được trao giải thưởng quốc tế Ashden về năng lượng bền vững toàn cầu.
Theo ông, trên cơ sở nào mà “Dự án hỗ trợ Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi VN” được lựa chọn để trao giải?
- Ban giám khảo giải Ashden đã xem xét kĩ lưỡng nhiều yếu tố sau đó mới cân nhắc và quyết định trao giải cho dự án KSH của VN. Dự án của chúng ta sử dụng năng lượng tái tạo trên cơ sở xây dựng các hầm khí biogas, dùng chất thải của vật nuôi tạo thành khí, tạo thành năng lượng để sử dụng cho người chăn nuôi và người dân.
Ông Hoàng Kim Giao
VN đã phát triển dự án này rất nhanh, rộng và hiệu quả trong thời gian ngắn, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân và giải quyết vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Dựa trên những yếu tố tích cực đó, Dự án KSH của VN đã được lựa chọn.
Nhiều nước tham gia giải lần này rất khâm phục Dự án KSH của VN. Họ thắc mắc và khâm phục, không hiểu vì sao chỉ trong thời gian rất ngắn mà dự án này lại có hiệu ứng lan toả nhanh như thế với số lượng người tham gia rất đông.
Ngoài những lợi ích thiết thực như đã nói, ông có cho rằng các công trình KSH sẽ góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu?
- Khi trao đổi với tôi, bà Sarah Butler-Sloss - người sáng lập kiêm Chủ tịch của giải Ashden đánh giá rất cao dự án của VN. Bà ấy cho rằng “Dự án hỗ trợ Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi VN” là sáng kiến hay về năng lượng bền vững trong việc giảm lượng khí thải các bon và trực tiếp giải quyết tình trạng nghèo đói hiện nay.
Đến nay, Dự án đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?
- Tính đến hết năm 2009, đã có 45/63 tỉnh, thành trong cả nước tham gia và đã có hơn 80.000 công trình KSH được xây dựng. Ước tính lượng khí thải cácbon đã giảm được khoảng 167.000 tấn/năm, mang lại lợi ích cho hơn 390.000 người dân, với phương thức bền vững về kinh tế. Hầm biogas đặc biệt hữu dụng đối với bà con nông dân.
Người dân sẽ đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm, hong sấy các sản phẩm nông nghiệp như chè, ngô... bằng khí biogas, nhiều nơi còn dùng để chạy máy phát điện. Phụ phẩm chất thải của biogas có thể dùng làm phân bón cho chè, rau, nuôi cá... rất tốt. Đó chính là hiệu quả thực tế của dự án này.
Dự án đã tác động ra sao đến nhận thức của người dân?
- Trong số 14 triệu hộ nông dân có đến 80% liên quan đến chăn nuôi. Hiện nay các hộ chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là chăn nuôi lợn. Làm thế nào
để môi trường chăn nuôi được sạch sẽ, thì hầm khí biogas có thể giải quyết một các
h thiết thực vấn đề đó. Ngoài ra với việc xây hầm biogas, mỗi gia đình có thể tiết kiệm được từ 2,4 - 7,2 triệu đồng/năm. Với những lợi ích thiết thực đó, hiển nhiên người dân sẽ nhanh chóng có những thay đổi về nhận thức.
Hiện ngành có ý định triển khai và mở rộng chương trình này thế nào?
- Sau dự án này chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng thành chương trình hành động, gọi là chương trình KSH quản lý chất thải ngành chăn nuôi. Đây sẽ là chương trình được ưu tiên trong việc giảm sự biến đổi của khí hậu.
Xin cảm ơn ông!
Đình Thắng (thực hiện)