Dân Việt

Nhức nhối lao động trẻ em

20/07/2010 19:26 GMT+7
(Dân Việt) - Tình trạng trẻ em bỏ học vào miền Nam làm thuê, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ đến bầm dập, tương lai mờ mịt, đang diễn ra nhức nhối ở Thừa Thiên - Huế.
 img
Do khó khăn, chị Phạm Thị Tý ở làng tái định cư Thanh Mỹ phải để đứa con mới 11 tuổi đi làm thuê.

Gác bút ly hương

Ngôi nhà bé nhỏ, tạm bợ của vợ chồng Phạm Thị Tý - Trần Mộng ở khu tái định cư Thanh Mỹ (Phú Diên, Phú Vang) nóng như cái lò nung. Chị Tý bế đứa con nhỏ lem luốc khóc lè nhè cùng chồng ngồi bệt giữa nền nhà vương vãi bùn đất. “Chài lưới mấy ngày liền không được chi, lại hết gạo rồi nên đang chờ tiền miền Nam gửi ra”- chị Tý rầu rầu nói.

Gia đình này có 5 con còn nhỏ nhưng không còn đứa nào đến trường. Là dân vạn đò trên phá Tam Giang được đưa lên bờ tái định cư, do không có đất đai, nghề chài lưới thì ngày càng thất bát nên gia đình chị Tý rơi vào cảnh cùng cực và nợ nần chồng chất. Cách đây 5 tháng, khi có người từ Sài Gòn về làng tìm lao động nhí làm việc cho cơ sở may mặc gia công, chị Tý đã xin ứng trước 10 triệu đồng rồi cho Trần Nam, đứa con mới 11 tuổi của mình vào làm thuê trừ nợ.

Ngày lên đường, cậu bé khóc nức nở nhưng không quên ôm theo mấy cuốn sách giáo khoa nhàu nát.

Tình trạng phải để con gác bút đi Nam làm thuê trả nợ thay bố mẹ như chú bé Nam xảy ra phổ biến ở khu tái định cư nghèo xác xơ này. Gia đình chị Nguyễn Thị Gái cạnh bên có 2 đứa con là Bùi Văn Toàn và Bùi Văn Tám cũng phải bỏ học vào Nam khi vừa học xong lớp 5. “Chẳng bố mẹ mô muốn con mình phải lao động khi còn quá nhỏ, nhưng biết làm sao với đói kém, nợ nần...”- chị Gái xót xa.

Ngày ra đi, Toàn và Tám khóc lóc van xin nhưng chị Gái đã gạt nước mắt khước từ. Chuyện đó không thôi chà xát trong lòng chị. Ở khu tái định cư này, ly hương làm thuê mà học hết lớp 5 như Toàn, Tám đã là cao nhất rồi. Hầu hết phải rời xa mái trường khi mới lớp 1, lớp 2…

Bóc lột tàn tạ

Đã mấy tháng rồi vợ chồng anh Nguyễn Thương ở làng tái định cư Thanh Mỹ, xã Phú Diên ăn ngủ không yên sau khi nhận được những dòng thư đẫm nước mắt của đứa con gái 11 tuổi -Nguyễn Thị Bé. Bé vào TP. HCM làm thuê hơn nửa năm nay sau khi học dở lớp 5. “Nó đã gửi mấy lá thư về rồi, thư mô cũng kể việc nó phải làm việc quần quật từ 6 giờ sáng đến 2 giờ khuya và phải ăn ở luôn tại xưởng may. Đã hàng chục lần nó bị ngất xỉu tại nơi làm việc do kiệt sức”- vợ anh Thương gạt nước mắt kể.

Đọc những dòng thư của Bé, chúng tôi giật mình khi biết Bé chưa bao giờ được đi đâu ngoài cái xưởng may nơi mình làm việc. Bé không thể biết mình đang làm việc ở địa chỉ nào, quận nào của TP. HCM. Thư của Bé gửi về cũng phải nhờ sự giúp sức bí mật của một lao động phụ trách nấu nướng của xưởng. Vợ chồng anh Thương muốn hồi âm cho con gái cũng đành chịu.

Theo bà Võ Thị Kim Khánh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Thừa Thiên- Huế, ngoài tình trạng trẻ em bỏ học sớm để đi lao động ở các địa phương trong nước, nhất là TP. HCM, thời gian gần đây ở tỉnh còn có nhiều trẻ em đi lao động ở nước ngoài, nhất là Lào, để kiếm tiền về cho gia đình.

Được chính quyền phối hợp với Hội Chữ thập đỏ vào tận TP. HCM “giải cứu” đưa về nhà từ mấy tháng nay nhưng em Trương Văn Thiện ở thôn Trung Chánh, xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc) vẫn chưa hoàn hồn. Một năm trời làm thân trâu ngựa ở xưởng may “đen” đã biến Thiện từ một cậu bé khỏe mạnh trở nên tàn tạ. “Mỗi ngày tụi cháu chỉ được ngủ 3 tiếng, còn lại là làm việc. Ai làm chậm là bị đánh bằng roi mây và phải nhịn đói”- Thiện kể. Lúc vào làm, người ta hứa trả cho Thiện 5 triệu đồng/ năm nhưng khi về quê, cậu bé chỉ được trả chưa đầy… 50 nghìn đồng. Ngày về Thiện nói không ra tiếng vì kiệt sức.

Vì hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo và nợ nần chồng chất đã khiến Nguyễn Văn Đen ở đội 7, thôn Diêm Trường (Vinh Hưng, Phú Lộc) phải bỏ học rất sớm để đỡ đần cho gia đình.

Cuối năm 2008, Đen vào TP.HCM làm việc cho cơ sở may gia công của Nguyễn Thị Châu Á ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Hơn 9 tháng làm việc tại xưởng may, Đen đã phải gánh chịu vô vàn tủi nhục bởi sự hành hạ về tinh thần lẫn thể xác. Đen bị Á và tay chân vắt kiệt sức bằng lịch trình làm việc từ 6 giờ 30 sáng đến 2 giờ sáng ngày hôm sau.

Ngoài bị bóc lột sức lao động dã man, Đen còn thường xuyên bị bà này đánh đập tàn nhẫn mỗi ngày khiến toàn thân sưng tấy phải nhập Bệnh viện Trưng Vương (TP. HCM) cấp cứu (ngày 21- 10-2009). Các bác sĩ cho biết Đen bị suy tim và viêm phổi nặng do ăn uống thiếu chất và phải làm việc quá sức trong môi trường độc hại. Đến nay, sau 9 tháng trở về, những vết thương trên cơ thể Đen đã dần lành nhưng sự hoảng loạn về tinh thần thì vẫn còn đó.

Về các xã Vinh Hiền, Vinh Giang, Phú Hải, thị trấn Phú Lộc… (huyện Phú Lộc), chúng tôi nghe người dân kể lại rất nhiều câu chuyện xót xa về cuộc đời của những đứa trẻ bị buộc phải ly hương vì cơm áo. Nhiều em tàn phế, nhiều em bặt vô âm tín không biết sống chết thế nào.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên- Huế, mỗi năm tỉnh này có từ 800 - 1.000 trẻ em rời quê đi kiếm sống bằng nghề nặng nhọc, nhiều nhất là TP. HCM. Đây cũng là những trẻ em bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn và bị hành hạ dã man.