Dân Việt

Khi các cụ già bỏ cơm để chat

22/12/2010 11:54 GMT+7
“Ông chat với ai được nhỉ, chẳng lẽ là bọn trẻ con?”, mẹ cu Khôi thắc mắc. Nó thản nhiên: “Vâng, có ai biết ông là ông già đâu. Mà ông xì tin lắm nhé. Ông cứ bảo là ông làm kiến trúc sư, có khi ông bảo ông là bác sĩ”...

Internet bây giờ không còn xa lạ với các cụ. Các cụ lên mạng không chỉ để đọc báo, chơi game mà cả… chat, có cụ thậm chí còn nghiện.

70 tuổi vẫn bỏ ăn vì chat

Từ dạo bệnh sưng khớp trở nặng, ông Hưng (70 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) ít ra khỏi nhà. Cu Khôi, thằng cháu nội học lớp bốn, dạy ông chơi game cho đỡ buồn. Một hôm thấy ông tò mò khi nó chat với bạn, cu Khôi bèn lập hẳn cho ông một cái nick rồi bày cách chat, cách vào room tìm bạn.

img
Ảnh minh họa

Ông lò mò làm thử rồi mê luôn, đêm thức rõ khuya, ngày cũng ăn uống nhanh nhanh chóng chóng để còn chat. Nhiều hôm cả nhà đợi mãi bên mâm cơm không thấy ông đâu, con dâu ông bèn bảo cu Khôi lên mời. Nó sang phòng ông một lát rồi quay ra thông báo là ông bận chat nên cả nhà cứ ăn trước.

“Ông chat với ai được nhỉ, chẳng lẽ là bọn trẻ con?”, mẹ cu Khôi thắc mắc. Nó thản nhiên: “Vâng, có ai biết ông là ông già đâu. Mà ông xì tin lắm nhé. Ông cứ bảo là ông làm kiến trúc sư, có khi ông bảo ông là bác sĩ”.

Quả thật ông Hưng rất thích trò “đóng vai” như vậy trên mạng. Ông như trẻ lại mấy chục “xuân xanh” khi nói chuyện với bạn chat đủ lứa tuổi trên mạng, vui và háo hức đến nỗi rời cái máy tính ra là ông thấy nhớ.

Ông Hưng khoe với cháu nội: “Có đầy cô hẹn ông gặp bên ngoài đấy, ọp ẹp gì đấy, nhưng ông bảo ông đi công tác, còn lâu lắm mới về”.

Mải chat, quên cả lịch khám

Cách đây mấy hôm, bà Hà (67 tuổi, nhà ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội), có hẹn với một giáo sư vẫn theo dõi sức bệnh tiểu đường cho bà mấy năm nay. Nhưng rồi mải chat với bà bạn ở Pháp, bà quên khuấy mất, khi nhớ ra thì giáo sư đã hết giờ làm việc.

img
Ảnh minh họa

Bà Hà làm quen với chat cũng vì con gái lấy chồng và định cư ở Pháp. Để đỡ xa cách và để mẹ con, bà cháu thường xuyên trò chuyện được với nhau, con gái hướng dẫn bà mua webcam và chat, lúc nào không thích gõ chữ thì chat voice.

Từ chỗ chat chit với con và cháu, bà còn có nick của một số phụ nữ lớn tuổi người Việt định cư ở vùng con gái bà sống. Họ rỗi rãi nên cũng thích trò chuyện qua mạng với bà, hỏi han đủ thứ về Việt Nam cho đỡ nhớ quê. Vì các mối quan hệ này, bà Hà không chỉ biết chat mà còn chụp ảnh, load ảnh ra rất thành thạo, sau đó cho các bà bạn xem.

Còn ông Thịnh, 71 tuổi, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội, vốn rất hay viết bài cộng tác với các tuần báo và tạp chí. Nhưng gần đây, ông toàn bị trễ hẹn gửi bài. “Nhiều lần người ta gọi điện đến giục, ông bảo có ngay, nhưng sau đó lại khất tiếp. Có bác ở toà báo gọi điện hỏi tôi bố làm gì mà dạo này lười viết thế, tôi bảo không biết, chỉ thấy ông chat cả ngày, bác ấy cứ cười phá lên không tin”, chị Lâm, con dâu ông Thịnh, kể. Là con dâu nên chị cũng không dám điều tra xem ông chat với ai mà mê mệt như vậy.

Vừa lợi vừa hại

Chuyện các cụ thích chat, nghiện chat khiến nhiều người trẻ tuổi buồn cười hoặc thấy thú vị. Con cái những cụ này, người thì vui vì bố mẹ đã tìm được thú giải trí, khiến họ đỡ áy náy khi không dành được nhiều thời gian hỏi han, chăm sóc đời sống tinh thần. Nhưng cũng nhiều người lo ngại rằng thú vui này không hợp với tuổi các cụ.

Theo chuyên gia tâm lý Hà Vân, đối với người cao tuổi, chat cũng là một kênh giao tiếp rất hữu ích, giúp họ mở rộng và duy trì các mối quan hệ, duy trì các năng lực xã hội và tránh được tình trạng cô đơn vốn rất hay xảy ra ở người già. Họ sẽ thấy vui khỏe trẻ trung hơn.

Nhưng nếu dành thời gian cho chat quá nhiều thì ngược lại, sức khỏe và sự minh mẫn sẽ bị ảnh hưởng, bởi. Vì thế, con cháu không nên cấm đoán các cụ, nhưng cũng đừng để các cụ chìm đắm trên mạng mà từ bỏ các hoạt động thể lực hay giao tiếp bên ngoài.

Chính bà Bà sau một thời gian nghiện chat đã bị tăng cân, tăng đường huyết, huyết áp và mỡ máu, những chỉ số vốn cao ở bà.

Trong hướng dẫn trị liệu, bác sĩ luôn luôn nhấn mạnh rằng ngoài việc dùng thuốc, bà phải vận động vừa phải nhưng thường xuyên, nhưng do mải “cắm đầu vào máy tính” nên bà quên. “Bây giờ thì tôi vẫn chat hằng ngày, nhưng mỗi lần ít phút thôi. Đúng là với tuổi già, không cái gì ra ngoài hai chữ điều độ”, bà Hà nói.

Theo Báo Đất Việt