Như lao động “khổ sai”
Những tháng làm việc tại Ảrập Xêút theo hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty Bách nghệ toàn cầu (Glo-Tech) đối với anh Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Thông (đều quê Nam Đàn, Nghệ An) như lao động khổ sai.
Hai lao động may mắn trở về nước. |
Hai anh kể, 2 giờ 30 sáng phải dậy nấu cơm, ăn xong cho vào cặp lồng mang theo rồi ra công trường để bắt đầu công việc lúc 3 giờ 30. Công việc trải nhựa đường vô cùng vất vả, ban ngày phải phơi người dưới cái nắng 50oC, mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ đồng hồ, cả tháng không có ngày nghỉ. Nhưng điều đó thì vẫn có thể chấp nhận được nếu không bị cắt xén tiền lương. Anh Thông nói 1 tháng lương là 650 RS không bằng công phụ hồ ở quê nhà.
Không đủ sức làm, anh Hải phải giả đau chân xin nghỉ. Không tiền bạc, không có thức ăn, anh và đồng nghiệp phải bắt chó hoang, mèo hoang, hết luộc rồi nướng để tồn tại. Để được phía công ty ở Ảrập Xêút giải quyết cho về Việt Nam, anh Thông đã phải nộp lại 3 tháng lương để họ mua vé máy bay về. Đến giờ, món nợ vay mượn của bà con họ hàng để đi xuất khẩu lao động, anh Hải và anh Thông vẫn chưa trả được. Cả 2 phải đi lại nhiều lần từ Nghệ An ra Hà Nội hết sức tốn kém để thanh lý hợp đồng với Công ty Glo-Tech nhưng mãi mà không giải quyết.
Nhiều người bị mắc kẹt
Đã sang Ảrập Xêút được 8 tháng, 2 tháng sau, anh Phùng Văn Châu (Nghệ An) mới biết chắc mình bị lừa. Trong cuộc điện thoại với chúng tôi từ Ảrập Xêút, anh Châu nghẹn ngào kể: "Một ngày làm việc của chúng em kéo dài 14 tiếng, mà mức lương tháng nào cũng chỉ được 700 - 800 RS (3,5 - 4 triệu đồng), không bằng làm tại Việt Nam. Họ nói 2 tháng thử việc mới nhận mức lương này thôi, nhưng giờ đã 8 tháng cũng vẫn chỉ mức lương đó. Em đã lên xin công ty sử dụng lao động cho về nước nhiều lần nhưng không được về. Nghỉ làm thì không có gì ăn, đói quá lại phải chấp nhận đi làm để sống lay lắt".
Theo lời của anh Châu, vì ăn uống thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt, làm việc quá sức nên anh sụt mất 17kg còn 34kg, vài ngày lại chảy máu cam 1 lần.
Lao động Cao Minh Phúc (Nghệ An) bức xúc kể: "Sang đến đây rồi không dám ốm, nếu có bị ốm cũng phải tự đi kiếm thuốc uống chứ công ty sử dụng lao động không chữa trị gì cả. Tháng trước, tôi bị ngộ độc thức ăn, có nói với người quản lý của công ty để họ đưa đến bệnh viện, nhưng họ mặc kệ. Tôi đã xin về nhiều lần nhưng chủ lao động không đồng ý".
Chiều 27.6, bà Trần Minh Thu - Phó Tổng giám đốc Glo-Tech cho biết, công ty không nắm được 2 lao động Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Văn Hải về nước ngày nào. Bà Thu cũng từ chối trả lời các câu hỏi với lý do chưa xác định được nguyên nhân vì sao chủ sử dụng lao động cho họ về.
Gia Tưởng