Tại cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thủ đô Washington (Mỹ) một số học giả quốc tế đã khẳng định các lô dầu khí mà Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 27 và 28.6, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức. Các học giả từ nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ thảo luận ở nhiều chủ đề, từ các diễn biến gần đây trên Biển Đông, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc-ASEAN, luật pháp và tập quán quốc tế trong giải quyết tranh chấp.
Ông Carlyle Thayer trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị tại Washington. |
Về hành động mời thầu của Trung Quốc đã được ông Carlyle Thayer - Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, nêu ra trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Ông khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau đó, ông Thayer cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, "tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Cùng chung quan điểm trên, tiến sĩ Bonnie Glasser - chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói đây là lần đầu tiên kể từ năm 1992, Trung Quốc mời thăm dò những lô dầu khí ở vùng biển không thuộc chủ quyền của họ.
Ông Glasser cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ thật kỹ" trước khi quyết định.
Về Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, Giáo sư Thayer khẳng định đây là một "bước đi rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nhận định đến năm 2025, một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần Luật Biển để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, ông Carlyle Thayer - Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia cho rằng:
“Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra vào năm 1948 và được Trung Quốc chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thì cứ tuyên bố, nhưng dựa vào luật pháp quốc tế thì tuyên bố này của Trung Quốc không phù hợp. Trung Quốc khăng khăng nói rằng họ dựa vào tuyên bố của chính phủ trước đây, tuy nhiên nó không tuân theo Công ước Luật Biển của LHQ” - Giáo dư Carlyle Thayer nhấn mạnh.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông
Ngày 28.6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB T.Ư MTTQ VN) đã tổ chức hội nghị lần thứ 9 Đoàn chủ tịch.
Một vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập tới là tình hình căng thẳng tại Biển Đông, nhất là việc mới đây một Công ty dầu khí của Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa của VN. GS Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật cho rằng: “UBT.Ư MTTQ VN phải có tiếng nói trước vấn đề này, có một tuyên bố mạnh mẽ để người dân hiểu được vấn đề. Tôi cho rằng đây là chuyện lâu dài, sẽ còn diễn biến trong nhiều năm nữa và không hề đơn giản”.
Cũng đồng tình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân tộc Lù Văn Que nhất trí: Tôi đề nghị sắp tới MTTQ VN phải lên tiếng, có ý kiến về vấn đề này. GS-VS Nguyễn Duy Quý - Ủy viên Đoàn chủ tịch - cũng cho rằng UBT.Ư MTTQ nên có tuyên bố rõ ràng về vấn đề này để người dân được hiểu rõ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBT.Ư MTTQ VN Vũ Trọng Kim cho biết, đối với tình hình Biển Đông nói chung và việc công ty dầu khí của Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng lãnh hải VN, MTTQ VN sẽ sớm có tiếng nói chính thức.
Hải Phong
Quang Minh (Theo TTXVN, VOV)