Vân đẹp. Ngay từ ngày đầu tiên ngắm cô gái này trong cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2000, tôi đã ấn tượng với đôi mắt một mí hơi xếch, ánh nhìn đầy tinh anh và nụ cười “miệng rộng thì sang” của Ngô Thanh Vân. Tôi nghĩ cô ấy hẳn sẽ thành công trong vai trò một người mẫu bởi hình thể đẹp, gương mặt rất ăn ảnh.
Không ngờ, 12 năm sau, cô đã đạt được nhiều thành công lớn trong đủ các lĩnh vực: người mẫu, ca sĩ giải trí, diễn viên điện ảnh, nhà sản xuất… Hầu như trên con đường tỏa sáng, Vân không bị dính scandal nào bởi nổi tiếng kín miệng, cẩn thận, sống có trước có sau.
Thế nên, để khám phá một NTV Virus sống động và chân thực hơn hàng trăm bài viết khác, tôi chọn cách đi gặp những người thân cận với Vân. Và họ đã tự vẽ cho tôi thấy chân dung cô gái Thanh Vân của riêng họ. Quả rất khác so với tôi nghĩ!
Jonny Trí Nguyễn: “Vân rất ơi là nữ tính”
Vào một ngày cuối năm 2005, cũng là thời điểm tôi vừa về Việt Nam và đang casting diễn viên cho bộ phim “Dòng máu anh hùng”. Khi Vân mở cửa bước vào phòng casting, tôi không khỏi ấn tượng trước ngoại hình của cô ấy. Thanh mảnh, tóc dài, mắt to, ngón tay thon dài. Đẹp và sang trọng quá!
Thế nhưng, cô ấy không phải người tôi đang tìm kiếm. Tôi cần một nữ diễn viên hợp với vai diễn một cô nữ dân quân kháng chiến anh hùng, chứ không phải vai một phụ nữ thành thị.
Bất ngờ, diễn xuất của Vân lại rất tuyệt vời cho vai này, nhất là ánh mắt sắc và kiên cường như có lửa bừng cháy ở trong đấy. Sau đó, tôi mới biết thì ra lúc ấy Vân đang có nỗi bực dọc gì đó trong lòng nên vô tình diễn đúng vai. Tuy nhiên, ngoài sự mong đợi của mọi người, chỉ sau một thời gian rất ngắn, Vân đã hoán đổi hoàn toàn từ cô người mẫu chân dài ẻo lả thành một nữ hiệp.
Lần nọ, sau khi vừa quay xong "Bẫy rồng", cả đoàn tự thưởng một chuyến đi du lịch Phú Quốc. Mọi người cùng đi tàu, câu mực, bơi lặn và chơi đùa rất vui vẻ, thoải mái. Tôi phát hiện ngoài khiếu đánh võ, Vân còn có khiếu chơi thể thao.
Chơi trò đá banh ở bãi biển, Vân dẫn banh, chạy banh, mồ hôi ướt đẫm, trông còn khí thế và “siêu” hơn đàn ông. “Vào rồi!!!”, ghi bàn, Vân cười vang, reo hò tưng bừng. Các anh trong đoàn cứ thế mà mắt tròn mắt dẹt.
Đả nữ là vậy, “ngoan cường đàn ông” là vậy nhưng Vân rất ơi là nữ tính! Cô ấy rất chi là thích hoa vàng. Mỗi lần tới thăm nhà, tôi đều thấy Vân trưng hoa vàng, để nến thơm rất ư lãng mạn. Trong văn phòng cũng vậy, luôn có hoa và những vật trang trí nho nhỏ màu vàng.
Một vài lần, Vân chia sẻ với tôi cũng muốn có chồng, có con như bao phụ nữ khác. Điều khó khăn của Vân là cô ấy đang bị mâu thuẫn giữa đam mê công việc và tiếng gọi sâu thẳm bên trong của người phụ nữ.
Tôi không biết sau này khi lấy chồng Vân sẽ như thế nào nhưng tôi nghĩ Vân hợp với con người của công việc hơn là gia đình. Tuy nhiên, giống như đàn ông bị ghép danh là người của gia đình, người phụ nữ của công việc đôi khi lại có cái tốt riêng thì sao. Một người đàn ông thật sự yêu Vân sẽ không nề hà điều đó.
Tôi còn quý Vân bởi nhiều điểm cộng khác. Vân là một người rất nhạy cảm. Có những điều không nhất thiết phải nói ra nhưng Vân có linh cảm để nhận biết, hiểu được niềm vui hay nỗi buồn và cảm thông cho người khác.
Tuy nhiên, đôi khi, sự nhạy cảm đó phản bội lại chính Vân. Nếu làm không tốt công việc, cô ấy sẽ tự cảm thấy buồn. Nếu việc gì đó xảy ra không theo ý muốn, Vân đều cảm thấy khó chịu. Có lẽ, điểm cộng đi ngược trở thành điểm trừ. Quá khắt khe với bản thân đã làm Vân khổ.
Đôi lần, tôi góp ý với Vân buông xả bớt sự nặng nhọc, xem mọi việc như là cuộc chơi, mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Vân chỉ im lặng và cười nhưng tôi biết là khó lắm, bởi Vân ít khi xem một việc gì đó là nhẹ nhàng.
Tôi nghĩ đó là bản chất rồi, người ta sẽ không thể nhận ra hoặc không thể bỏ nó trong một sớm một mai. Cuộc đời mà, cần thiết phải trải qua quá trình khổ, nặng nhọc để tìm được sự bình yên và vui sướng.
Nhóm nhạc 365: “Chị Vân cũng khóc khi buồn”
Chị Vân tác động đến 365 vô cùng lớn vì chị là người “khai sinh” ra nhóm mà. Chị dạy 365 rằng: một quyết định sẽ tạo cho mình một trách nhiệm từ kết quả trong tương lai và một lối sống sẽ tạo nên cho mình một kết cục. Chính vì thế, chị không dựa dẫm hay chịu ảnh hưởng quá nặng từ ai, ngoài bản năng và suy nghĩ của mình.
Nhóm còn học hỏi ở chị cung cách đúng giờ và lễ phép với mọi người xung quanh. Cách chào cúi đầu của nhóm cũng từ chị mà có. Bây giờ mỗi lần đi đâu, về nhà gặp ai, 365 cũng quen với cách chào lễ phép đó.
365 ngưỡng mộ và khâm phục chị nhất là ở sự cố gắng, dồn 200% tâm huyết khi lao vào công việc. Một khi đã tập trung, chị quên cả ăn, cả ngủ. Có thương, có quan tâm thì chuẩn bị sẵn cho chị cái bánh ăn tạm cho đỡ đói hay ly nước uống cho đỡ mệt. Bởi vậy, chị bị mẹ gọi điện nhắc nhở hoài. Chị sinh cùng một con giáp với mẹ, cách nhau đến mấy mươi năm nhưng hai người giống nhau lắm. Nếu có người ảnh hưởng đến chị nhiều nhất, đó chính là mẹ.
365 dành cho chị sự tôn trọng, nể sợ và nhiều nhất là thương yêu. Nhóm thích nhất khi chị ở vai trò là người chị lo lắng cho 365. Lúc đó chị rất khác so với những gì ở trên sân khấu, mộc mạc và tận tụy chăm sóc cho nhóm.
365 nhớ mãi đêm Big Concert của nhóm diễn ra vào ngày 16/12/2011. Sau khi phát biểu mở màn, chị thay ngay chiếc đầm dạ hội rồi ra sau cánh gà để giúp nhóm chuẩn bị tất cả những gì cần thiết nhất khi ra sân khấu. Áo thế nào, giày ra sao, tóc coi chừng bết keo, khăn thấm mồ hôi nhẹ thôi kẻo trôi phấn… Thấy chị vất vả lo cho nhóm từng chi tiết như vậy, 365 cảm động lắm.
Ai nhìn vào cũng nghĩ chị là người đàn bà thép. Nhiều người chưa tiếp xúc với chị, đàn ông thì e dè, còn phụ nữ thì e sợ. Sống chung mới biết, chị Vân cũng như bao người phụ nữ khác, cũng hay chạnh lòng, cũng khóc khi buồn và nhiều lúc nhìn chị sao nhỏ bé và mong manh.
Những lúc buồn, nhạy cảm với tình yêu hay công việc khó khăn, chị ngồi im, mặt nhiều tâm sự, mắt ướt ướt, môi mím lại rồi đôi khi bật khóc. Chính lúc đó, nhóm biết chị vẫn yếu ớt trong tâm hồn và cần sự chở che của người khác. Nếu được ban cho một điều ước, nhóm ước rằng chị sớm tìm được một người có thể yêu chị vì chính chị và che chở cho chị suốt đời.
Có đôi lúc, chị Vân nhí nhảnh trông đáng yêu vô cùng. Những khi đi khắp nhà tìm đồ ăn chẳng hạn, trông chị cứ tí ta tí tửng như con nít. Những lúc đắc ý, chị cười lên và múa tay xoay xoay, nhìn yêu lắm! Hay như một ngày đẹp trời, chị tươi rói, diện nguyên “cây” hoa kiểu vintage đi vòng vòng gặp mọi người.
Vào những lúc rảnh rỗi, chị thường rủ cả nhóm đi xem phim, chơi bowling hay đến nhà chị nấu ăn, làm sushi… Chị thích nhất là ăn canh chua cá kho tộ và bún riêu.
Thấy chị bận rộn vậy nhưng chị tập thể dục hàng ngày, là chuyên gia trong dinh dưỡng và chăm sóc nhan sắc đấy. Không chỉ riêng nhóm, nhiều người cứ tấm tắc so với ngày mới bước vào nghề đến giờ, trông chị sao trẻ mãi.
Chị Bích Châu – Giám đốc chương trình Nhịp tim Việt Nam: “Với Vân, hạnh phúc không chỉ là yêu”
Là nghệ sỹ luôn bận rộn với bao dự án nghệ thuật mà làm được một chương trình quy mô như “Vết sẹo cuộc đời” của Ngô Thanh Vân là điều rất hiếm. Có thể nói, mọi động lực thực hiện chương trình đều đến từ Vân.
Thực chất, những gì nhiều người thấy trên báo chí như đêm “Vết sẹo cuộc đời 2012” vừa qua đã thu về số tiền 121.000 đô-la Mỹ để cứu 121 em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh chỉ là một phần nhỏ. Những gì Vân đã làm cho Nhịp tim Việt Nam là cả một câu chuyện kéo dài gần 4 năm với bao nỗi vất vả.
Tôi nhớ như in ngày đầu tiên gặp Vân ngoài đời. Đó là ngày 20/8/2009, trong chương trình gây quỹ Nhịp tim Việt Nam, hai trong bốn đại sứ đã đến dự và lắng nghe rất chăm chú từ đầu đến cuối. Đó là Ngô Thanh Vân và Jonny Trí Nguyễn. Sau buổi họp báo, thay vì chỉ làm công việc duy nhất của đại sứ là click chuột vào 1 trang mạng để mời bạn bè tham gia gây quỹ, 2 người tình nguyện đóng góp mỗi người 3000 đô-la Mỹ.
Chi phí cho mỗi ca mổ tim là 1000 đô-la Mỹ. Lúc đó, quỹ tài trợ VinaCapital Foundation đang có chương trình nhân đôi, nghĩa là với mỗi 500 đô-la Mỹ, một em bé bị bệnh tim sẽ được phẫu thuật. Tôi nói với Vân và Jonny rằng với số tiền này, mỗi người đã cứu được 6 em. 11/2009, tôi nhận cuộc gọi từ trợ lý của Vân và được biết cô ấy muốn tổ chức chương trình từ thiện để gây quỹ cứu sống 100 bệnh nhi.
Vân kể, cô vô tình đọc một bài báo viết về việc tổng thống Mỹ Obama có một vết sẹo trên đầu. Bình thường, chúng ta xem vết sẹo là điều gì đó không đẹp đẽ. Thế nhưng, đối với những em bé nghèo khó bị bệnh tim, em nào có sẹo nghĩa là đã được cứu sống, những em nào chưa có sẹo là bất hạnh. Ý tưởng về chương trình kể lại câu chuyện của những đứa trẻ them khát một vết sẹo Scar of Life 2011 (Vết sẹo cuộc đời) ra đời.
Sau đó, Vân không còn dừng lại ở việc cứu sống cho vài trăm em khi biết có đến 20.000 trẻ em đang chờ được mổ tim. Vân nghĩ, để thông điệp đi xa hơn và sống lâu hơn sau đêm sự kiện ấy, cô cần làm một bộ phim. Đó là bộ phim ngắn 30 phút “The Journey” dựa trên chuyện có thật của cậu bé Hùng Vỹ.
Tôi không bao giờ quên được hình ảnh sáng hôm gặp Vân ở trường quay. Vân ngồi đấy, máu me chảy đầm đìa, mặt mũi bơ phờ (vì trong phân cảnh yêu cầu như vậy).
Vừa nhìn thấy Vân, cảm giác đầu tiên của tôi là muốn khóc. Tôi không nghĩ người này đang đóng phim nữa, mà là thật 100%.
Có một số người sau khi xem trailer phim và nhận xét, phim gì mà Ngô Thanh Vân chỉ cắm đầu chạy một mạch từ đầu đến cuối. Họ đâu biết, người trong phim chạy như điên dại để cứu đứa bé cũng là người đang chạy ngoài đời để hoàn thành phim trước sự kiện. Đội ngũ chưa đến 10 người. Vân vừa làm diễn viên, vừa lo cho sự kiện, vừa kiếm tiền làm phim, vừa thuê xe cho đoàn, cơm nước cho mọi người…
Khó khăn khi thực hiện bộ phim chất chồng như núi nhưng thuận lợi chỉ có một. Vân nói: “Nếu không làm bộ phim này, tôi không ngờ có nhiều người tốt đến thế sẵn lòng giúp đỡ mình”. Tại sao Cường Ngô và cả ê-kíp hết lòng làm bộ phim miễn phí? Tại sao anh Đỗ Mạnh Cường không tiếc tiền bạc và thời gian cho bộ sưu tập “Trái tim thủy tinh” đấu giá trong sự kiện?
Khi người ta đã bỏ hết tâm huyết ra, chỉ có một điều giải thích được, đó là họ tìm ra lý do chính đáng để đi chung con đường với Vân, dẫu đó là một hành trình kéo dài rất lâu: 20.000 đồng cho hành trình cứu sống 20.000 trái tim.
Sau khi thuyết phục tất cả các cụm rạp cho chiếu phim miễn phí từ ngày 1-6, Vân phải suy nghĩ rất nhiều để đề ra giá vé 20.000 đồng. Cô có niềm tin, giá vẻ rẻ như vậy thì phim có thể đến được với 20 triệu người. Lúc đó, 20.000 đứa trẻ trong danh sách chờ được mổ tim sẽ được cứu sống và lớn lên với tuổi thơ bình thường.
Suốt 4 năm qua, Vân chưa bao giờ nói mình sẽ đi tới đâu trên hành trình này. Cô chỉ nói mình sẽ đi đến bao giờ còn có thể. Thực sự trong đáy lòng tôi, Vân không còn là một người hợp tác mà là một người bạn quý mến.
Đôi lúc nhìn Vân khổ cực quá, tôi mong sao cô ấy quên đi chuyện này để sống vui vẻ hơn. Ấy vậy mà chuyện này đã đi vào máu của Vân rồi.
Trước bao nhiêu người, Vân xuất hiện là một ngôi sao rất sáng. Khi Vân đến đây, không mặc những bộ áo lấp lánh, nhưng cô ấy cũng rất sáng vì một khía cạnh hoàn toàn khác. Nhìn Vân, tự nhiên tôi nhớ đến mấy trăm em bé được cứu sống.
Người khác có thể gọi Vân bằng những danh xưng lớn như ca sĩ, người mẫu, diễn viên hoặc nữ hoàng khiêu vũ. Tôi và những người trong Nhịp tim Việt Nam thích gọi Vân đơn giản là người cứu những đứa bé.
Thời gian mà tôi tiếp xúc với Vân trong công việc nhiều đến độ khiến tôi tự hỏi: Vậy thì lúc nào Vân sống cho riêng mình? Vân trả lời: hạnh phúc không chỉ là yêu. Vân sinh ra và hạnh phúc của Vân liên quan đến các em bé.
Trong đời, đôi lúc mọi sự sắp xếp hay định nghĩa đều không có ý nghĩa. Để làm thành công những việc này, Vân phải có kỹ năng lãnh đạo, sáng tạo nghệ thuật và mối quan hệ rộng.
Vậy nhiều người khác cũng có kỹ năng đó nhưng có thể làm được như Vân không? Tôi tin đó là sự sắp đặt của số phận. Để được số phận chọn, ắt hẳn bạn phải là người rất tốt lành hoặc bạn đã được sinh ra để làm điều đó.