Giải pháp nào để tháo gỡ, giúp lao động huyện nghèo có việc làm bền vững?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông có nhận định gì về việc thực hiện đưa lao động huyện nghèo đi XKLĐ theo Quyết định 71?
- Theo đánh giá của tôi, đây là quyết định hết sức nhân văn. Cùng với Chương trình 30A, quyết định này đặt mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm ngoài nước cho lao động nghèo nhằm ổn định an sinh cho bà con vùng đồng bào dân tộc ở các huyện nghèo. Về cơ bản, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền và các doanh nghiệp cũng đã làm hết sức quyết liệt. Kết quả cũng đã có một số lao động được hưởng lợi từ chương trình, thực sự vươn lên thoát nghèo.
Dự thảo báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định 71 của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho thấy hiệu quả thực hiện thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?
- Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết là do chính trình độ văn hóa của lao động còn thấp, khó tiếp cận ngoại ngữ, tay nghề còn non kém. Một nguyên nhân khách quan nữa là mặc dù mục đích của chương trình thì rất nhân văn nhưng việc triển khai thực hiện lại rơi vào đúng lúc kinh tế khủng hoảng, suy thoái nên nhiều nước không nhận lao động của Việt Nam, một số khác tiếp nhận thì gặp nội chiến (như Libya).
Một số thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan... tuyển dụng lao động không mấy khắt khe thì cũng bị khủng hoảng, gặp khó khăn. Trong khi đó, tâm lý của người dân tộc thiểu số lại ngại đi xa, phong tục tập quán cũng có nhiều khác biệt nên chỉ cần nản chí một tí là họ bỏ về. Tóm lại, lao động của ta còn kém, thị trường lao động lại khủng hoảng, vì thế công tác đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn là chuyện đương nhiên.
Là cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội có những góp ý gì cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện chính sách này?
- Theo tôi, thời gian sắp tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải sơ kết Quyết định 71 xem khó khăn, vướng mắc cụ thể là gì? Thị trường lao động bất lợi như thế nào? Vấn đề cốt lõi hiện nay chính là: Trong khi lao động của ta trình độ thấp, tập quán có nhiều khác biệt nên chỉ đáp ứng được những thị trường cần lao động phổ thông; khi khủng hoảng kinh tế, những nước này cũng gặp khủng hoảng nên lao động dễ bị mất việc.
Trong khi đó, thị trường lao động bền vững hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... thì lao động huyện nghèo chưa thể với tới được. Tôi cũng biết Bộ LĐTBXH cũng ưu ái lao động huyện nghèo, tạo điều kiện cho họ học tiếng Hàn, xuất cảnh sang Hàn Quốc làm các nghề nông nghiệp nhưng số này rất ít.
Lê An
Chính vì thế, thời gian tới nếu muốn làm tốt việc XKLĐ cho huyện nghèo cần phải tăng cường đào tạo. Mặt khác phải lựa chọn thị trường lao động thuận lợi để giới thiệu lao động, để lao động có thể thích nghi với điều kiện làm việc ở nước bạn, từ đó muốn gắn bó lâu dài.
Ngoài ra cũng cần cần tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Nhà nước cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo kênh kết nối với các nước mà mình đưa lao động đến để mình có cách quản lý tập trung. Người lao động của mình đa phần là người dân tộc, nói tiếng Kinh chưa rõ, giờ sang nước bạn đi làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế cần phải trợ giúp họ nhiều hơn khi sang nước bạn
Nhiều ý kiến băn khoăn Quyết định 71 đặt ra nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu nào cũng không đạt sẽ dẫn tới lãng phí tiền của, thời gian, vì thế không nên tiếp tục thực hiện chương trình. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Cá nhân tôi thì cho rằng, nếu kết quả thực hiện chưa cao thì chúng ta cũng cần phải xem xét lại chính sách, cũng nên đặt câu hỏi nên tiếp tục hay dừng lại việc XKLĐ tại các huyện nghèo? Tuy nhiên, như tôi đã phân tích, việc thực hiện Quyết định 71 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan mà cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ cũng không lường hết được.
Bộ LĐTBXH cùng Cục Quản lý lao động ngoài nước nên sớm sơ kết, đánh giá và phân tích hoàn cảnh cụ thể để đề ra phương án, cách thức thực hiện phù hợp. Còn nếu xét thấy việc thực hiện chương trình không hiệu quả thì cũng nên chuyển hướng hỗ trợ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất kinh doanh tại chỗ cho người dân huyện nghèo.
Về lâu dài, theo ông chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động huyện nghèo cần hướng tới cách làm như thế nào?
- Về lâu dài, dù có tiếp tục hay không tiếp tục thực hiện chương trình đưa lao động huyện nghèo đi XKLĐ thì cũng cần phải đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa việc nâng cao dân trí cho đồng bào vùng khó khăn. Có vậy, việc triển khai các chương trình hỗ trợ việc làm, các vấn đề về an sinh xã hội cho người dân nơi đây mới thật sự hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Minh Nguyệt (thực hiện)