Dân Việt

Bỏ không hơn 30 tỷ đồng

15/04/2013 06:41 GMT+7
(Dân Việt) - Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020” đặt mục tiêu xây dựng mỗi huyện một trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, nhiều huyện nghèo đã xây trung tâm dạy nghề và sử dụng không hiệu quả...

LTS: Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020” đặt mục tiêu xây dựng mỗi huyện một trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, từ trước đó, thực hiện Nghị quyết 30a, nhiều huyện nghèo đã xây trung tâm dạy nghề và sử dụng không hiệu quả...

Hơn 30 tỷ đồng là số tiền mà UBND tỉnh Hà Giang quyết định đầu tư để xây dựng Trung tâm Dạy nghề huyện Mèo Vạc.

img
Trung tâm Dạy nghề huyện Mèo Vạc.

Có “vỏ”, không “ruột”…

Mèo Vạc là huyện vùng cao, xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Tới thăm trung tâm dạy nghề huyện, chúng tôi cũng “choáng ngợp” bởi nếu hoàn thành, đưa vào sử dụng nơi đây có thể trở thành trung tâm dạy nghề lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc với diện tích rộng 1,4ha, một hệ thống gồm 4 nhà học chính, 3 nhà xưởng, nhà thực hành, nhà lưu trú cho học sinh, cán bộ... Tuy nhiên, tới nay, công trình vẫn đang dở dang vì thiếu tiền. Các nhà học chính đã hoàn thành, nhưng nhà xưởng, nhà thực hành, và nhà lưu trú chưa có, trang thiết bị dạy nghề cũng rất ít

Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Mèo Vạc: Toàn trung tâm có 12 giáo viên, đang đăng ký đào tạo 11 nghề. Xét về biên chế, trung tâm còn thiếu khoảng 6 giáo viên cơ hữu. Tuy nhiên, trang thiết bị dạy nghề của trung tâm chưa có nên giáo viên vừa thiếu vừa thừa. “Việc đi thuê mặt bằng, địa điểm, phương tiện dạy học rất tốn kém. Kinh phí chi cho khoản này không có khiến chúng tôi phải linh hoạt lấy từ khoản này sang khoản khác. Mà như vậy thì chất lượng dạy nghề cũng bị ảnh hưởng ít nhiều” – bà Phượng thừa nhận.

“Đốt đuốc” tìm người học

Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu: 61 huyện nghèo được đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề cho trung tâm dạy nghề theo Nghị quyết số 30a. 30 huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30 - 50% mới thành lập trung tâm dạy nghê, năm 2009 được hỗ trợ đầu tư phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, ký túc xá, nhà công vụ... Mức đầu tư tối đa 12,5 tỷ đồng/trung tâm...

Tuy nhiên, những nỗi lo đó còn là nhỏ so với nỗi lo về lớp vắng trò, trường vắng thầy. “Do tính chất địa hình phức tạp, trình độ bà con còn nhiều hạn chế, lại chủ yếu là học các ngành nông nghiệp, vì vậy trường chủ yếu là tổ chức dạy lưu động (chiếm hơn 90% số lớp học). Lâu nay dạy lưu động, thầy cô phải vào tận thôn bản còn khó vận động người dân đi học huống hồ gì giờ lại vận động họ ra lớp”- bà Phương nói

Bà Phượng cũng nêu khó khăn: “Nông dân, học viên đi học nghề được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/ người/ngày. Bà con ngại, bởi họ phải bỏ buổi nương rẫy đi 15-20km đường rừng, số tiền đó rất thấp, khó để thuyết phục họ đi học nghề”.

Ông Nguyễn Thanh Long – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang thừa nhận thực tế: Nếu áp theo tình hình cụ thể về hoạt động dạy nghề tại địa phương thì có thể việc xây dựng một trung tâm dạy nghề hoành tráng như vậy cũng chưa thật cần thiết. Cơ sở có to đẹp, nhưng hệ thống trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa có, học sinh không đến học… thì cũng lãng phí. “Thực tế sở cũng đã tư vấn cho UBND huyện, nhưng thực tế đầu tư như thế nào là do huyện quyết” – ông Long giải thích.