Hình tượng con chim không chỉ là biểu tượng của hòa bình - tự do mà còn rất gần gũi với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, nó luôn có mặt trong lịch sử hình thành, nguồn gốc dân tộc, biểu tượng quốc gia... Từ trong những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết xa xưa đến nay con người vẫn tiếp tục viết lên những câu chuyện về nó.
Con chim (16) |
Thái Nhật Minh cũng mượn hình tượng con chim để bày tỏ cảm xúc cá nhân từng ngày và được tác giả thực hiện kiên trì trong 3 năm (2011, 2012, 2013).
“như chim xa lìa bầy, như chim xa lìa trời, như chim bỏ đường bay"
(Trịnh Công Sơn)
Câu chuyện những con chim “bỏ đường bay” của riêng anh, cũng như bất cứ nhóm người nào, dân tộc nào cũng muốn viết nên câu chuyện về những con chim của riêng họ.
Mỗi con chim tác giả đều khai thác ngôn ngữ điêu khắc ở những khía cạnh khác nhau. Từng con đều là một khối của tâm trạng, thiên về sự lắng đọng... Thái Nhật Minh chỉ gợi một chút về hình tượng con chim đưa đến cho người xem một tín hiệu để người ta nhận ra sự hiện diện, chứ ko đi vào đặc tả chi tiết từng bộ phận, và đúng là, trong thực tế nó có thể đứng hoàn toàn độc lập.
Nhưng ở triển lãm này tác giả đã quyết định bỏ qua đi cái riêng của từng tác phẩm, coi "những con chim" chỉ là những "vật thể"- mấu chốt của một không gian lớn, để hướng tới một không gian chung thống nhất và xuyên suốt.
Một trong các tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại triển lãm |
Triển lãm của Thái Nhật Minh lần này với khoảng hơn 150 tác phẩm điêu khắc cỡ nhỏ (làm từ chất liệu Gỗ và Nhôm đúc) lấy cảm hứng từ hình tượng các loài chim. Kết hợp với các nan tre tạo nên hai không gian bủa vây và đóng kín trong một tổng thể chung.
Không gian nhà triển lãm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia làm 2 phòng thông nhau, Thái Nhật Minh đã sáng tạo nên không gian nghệ thuật của riêng mình dựa trên kiến trúc đó. Không gian thứ nhất gồm 3 cột vuông cao khoảng 3m rộng 45 đến 50cm, dựng từ dưới đất lên sát trần nhà triển lãm. Tạo bởi các thanh tre thẳng, cứng, đứt đoạn, được biến được biến điệu từ những chiếc lồng chim. Trong không gian chật trội này là vô số những con chim với những dáng điệu và tâm trạng khác nhau, được đan cài tầng lớp và chồng lấn lên nhau.
Không gian thứ hai được tạo bởi các nan tre nối liên tiếp với nhau, uốn thành những đường lượn dạng cung tròn, động và liên tục, chiếm lĩnh toàn bộ khoảng trống 80m2 của phòng thứ hai. Nó được biểu hiện như quỹ đạo bay của những con chim với các đường cong thoáng và uốn lượn trong không gian rộng.
Nối giữa hai không gian này chính là sự trải nghiệm và liên tưởng của khán giả. Hay nói cách khác, Minh dùng điêu khắc làm ngôn ngữ biểu hiện, nhưng dùng hình thức sắp đặt để tác động trực tiếp đến người xem. Tác giả để cho khán giả tự trải nghiệm trong không gian ấy và cảm nhận với cảm xúc của chính bản thân mình.
“Những con chim” nói lên những tâm sự, những khát khao muốn vượt qua những trở ngại, khó khăn, cả những tù túng, chật hẹp để mở đôi cánh, vươn đến khung trời mới rộng lớn, nơi có những đường bay. Càng những lúc khó khăn nhất, khát vọng của con người càng lớn, càng có sự thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn.
Đưa người xem đến với những trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm, sự đổi thay trong cảm xúc của khán giả khi tiếp xúc với tác phẩm - từ đó tìm thấy sự đồng cảm, sự an ủi và thắp lên khát vọng ở mỗi cá nhân là điều mà triển lãm hướng tới...
Minh Minh