Lao động học nghề hàn tại Trung tâm Dạy nghề Vĩnh Châu. |
Thoát nghèo nhờ có nghề
Chị Sơn Thị Bích Trâm (xã Phước Vĩnh) cho biết, gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, nhưng kể từ khi được học nghề may công nghiệp ở trung tâm, chị đi làm công nhân may rồi tiếp tục đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Về quê, có vốn, có tay nghề, chị mở hiệu may và đã xây được nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt gia đình đầy đủ hơn.
Bà Thạch Thị Hoa -Giám đốc trung tâm cho biết: Người Khmer ở Vĩnh Châu có cuộc sống rất khó khăn, phần lớn là người nghèo, thiếu tư liệu sản xuất nên nhu cầu học nghề là rất lớn. Để giải quyết bài toán này, phương châm của trung tâm là: Dạy nghề không tách khỏi công tác vận động quần chúng nên đã chủ động xây dựng mạng lưới cộng tác viên là cán bộ chính quyền các xã để nắm bắt nhu cầu của người lao động và của địa phương. Mỗi tháng, trung tâm đều có lịch gặp mặt cộng tác viên một lần để cập nhật thông tin, từ đó hướng dẫn người lao động tạo ra sản phẩm cho thu nhập cao, ổn định.
Ví dụ, từ nhu cầu thu mua hàng thủ công mỹ nghệ làm từ bẹ chuối, trung tâm đã phối hợp với HTX Ngọc Bích chọn xã Phước Vĩnh làm điểm. Sau khi được đào tạo, 100 học viên người Khmer đã tổ chức sản xuất tại chỗ, được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Do đảm bảo được đầu ra của sản phẩm nên người lao động yên tâm sản xuất. Tương tự, Ban giám đốc trung tâm chủ động liên kết với Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu mở lớp Kế toán, liên kết với Trường Trung cấp nghề số 9 Vĩnh Long mở các lớp cơ khí dài hạn, vi tính văn phòng…
Chị Bích Trâm cũng nêu thực tế là cuộc sống của người học nghề còn quá khó khăn, ý thức học tập của nhiều người rất thấp, nhiều khi thích thì học, không thích thì nghỉ. “Chúng tôi phải xuống tận nơi, phối hợp với đội ngũ cộng tác viên giải thích để họ hiểu, quay trở lại học tiếp”- bà Hoa chia sẻ.
Gần 100% học viên ra trường có việc làm
Nhờ dạy nghề gắn với tạo việc làm nên gần như 100% lao động sau khi ra nghề đều có việc làm với mức lương tháng 1,5 - 2 triệu đồng. Nhiều người dân cho rằng, vì có nghề, thanh niên dân tộc ở đây đã thay đổi thói quen, tự lực vươn lên; người dân hạn chế việc gả con cho người nước ngoài, giảm nạn buôn bán phụ nữ vùng đồng bào dân tộc Khmer. Với những nỗ lực đó, Trung tâm Dạy nghề Vĩnh Châu đã được phê duyệt nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề Vĩnh Châu.
Dẫu vậy, bà Thạch Thị Hoa vẫn trăn trở: “Trung tâm của chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Cụ thể là đội ngũ giáo viên cơ hữu chưa có, chủ yếu hợp đồng ở các trường bạn về dạy; thứ hai, nguồn kinh phí của huyện cấp cho cũng quá hẹp (mỗi năm khoảng 175 triệu đồng) chỉ đủ trả lương, mọi thứ phải tự túc thêm để tồn tại. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong sao Quyết định 1956/QĐ-TTg nhanh chóng đi vào cuộc sống, để trung tâm hoạt động tốt, giúp người lao động có nghề, vươn lên thoát nghèo”.
Sao Khuê