Dân Việt

Công khai bán lợn dịch

21/07/2010 09:22 GMT+7
(Dân Việt) - Người dân nhiều địa phương ở Thừa Thiên- Huế đang công khai bán tháo lợn dịch tai xanh.
img
Gia đình chị Lê Thị Bốn đã bán tháo 13 con lợn chết với các triệu chứng của dịch tai xanh.

Bán tháo lợn dịch

13 con lợn của chị Lê Thị Bốn (thôn Xuân Hòa, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy) vừa chết vì dịch tai xanh. Để vớt vát, chị đem bán số lợn chết này cho các lò thịt quay. “Con lợn 45 kg nhưng chỉ bán được 100 nghìn đồng”- chị Bốn có vẻ tiếc rẻ. Cạnh đó, chị Lê Thị Hạ có đến 41 con lợn mắc dịch và chết. Chị Hạ bán một số cho các lò giết mổ gia súc, con nào không ai mua, chị vứt ra đồng.

Có trên 2.000 con lợn chết vì dịch bệnh ở các thôn Dạ Lê, Công Lương, Vân Dương của xã Thủy Vân. Hầu hết số lợn mắc dịch được người dân vô tư bán tháo cho các thương lái. Số lợn dịch không bán được thì vứt bừa bãi ra đồng, sông suối. Ông Hà Đình Toàn - Chủ tịch UBND xã Thủy Vân, cho biết thiệt hại vì tai xanh trên địa bàn đã lên tới 1 tỷ đồng. Ông Toàn thừa nhận tình trạng người dân bán tháo và vứt lợn chết ra đồng và cho rằng lực lượng của xã quá mỏng nên không thể kiểm soát.

Tình trạng lợn chết hàng loạt vì dịch bệnh cũng đang xảy ra ở hầu hết các huyện của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Các địa phương bị thiệt hại nặng nhất là Thủy Phù, Thủy Thanh, Thủy Dương (huyện Hương Thủy), Hương Toàn (huyện Hương Trà), Phú Mỹ (huyện Phú Vang)… Trong khi đó, tình trạng buôn bán, giết mổ và tiêu thụ lợn dịch ở các địa phương này vẫn diễn ra công khai.

Giấu dịch tai xanh?

Theo anh Lê Văn Xuân (thôn Xuân Hòa), triệu chứng mắc dịch của đàn lợn nhà anh (đã bán) giống như các triệu chứng của dịch tai xanh từng xảy ra mấy năm trước: Lợn biếng ăn, lười uống nước, mất sữa, viêm vú, viêm phổi, da biến màu (màu hồng)…

Ông Nguyễn Viết Tĩnh - Trưởng Thú y xã Thủy Vân, khẳng định lợn mắc bệnh và chết hàng loạt trên địa bàn là do dịch tai xanh. Người dân địa phương cho biết, ông Tĩnh là cán bộ thú y lâu năm và có uy tín của xã Thủy Vân, được tập huấn kỹ về nghiệp vụ thú y nên chẩn đoán bệnh ở gia súc rất chính xác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên- Huế, lại nói khác: Lợn mắc bệnh và chết hàng loạt trên địa bàn không phải do dịch tai xanh mà do dịch phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả.

Một điều bất thường nữa là, dù trên địa bàn đã có hàng nghìn con lợn mắc và chết vì dịch bệnh nhưng trong công điện hỏa tốc về phòng chống dịch bệnh trên gia súc phát đi gần đây của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế lại không đả động gì đến vấn đề này.

Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bị nhiễm và thiệt mạng vì mắc liên cầu lợn- kế phát của hội chứng dịch tai xanh ở lợn- khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên vấn đề phòng tránh ra sao cũng không được các cơ quan lưu tâm cho dân.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong khi thú y cơ sở khẳng định có dịch tai xanh nhưng Chi cục Thú y tỉnh lại phủ nhận thông tin này mặc dù khẳng định của Chi cục Thú y dựa trên báo cáo của thú y cơ sở? Tại sao trong khi bệnh nhân liên cầu lợn gia tăng trên địa bàn khiến người dân lo sợ đã có sự xuất hiện của dịch tai xanh thì ngành chức năng lại không xét nghiệm số lợn bị dịch bệnh?.

Long An: Bệnh tai xanh bùng phát

Theo Cục Thú y, từ ngày 15 - 7, dịch tai xanh đã xảy ra trên đàn lợn của 7 hộ gia đình tại phường 5, thành phố Tân An (Long An) với số lợn mắc bệnh là 210 con trong tổng đàn 447 con. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh và phòng, chống dịch theo quy định. Như vậy đến nay, đã có 3 tỉnh phía Nam là Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An có dịch tai xanh trên đàn lợn, nâng tổng số địa phương có dịch lợn tai xanh trong cả nước chưa qua 21 ngày lên 9 tỉnh.