Dân Việt

Tiến tới xây dựng chuẩn nghề

22/07/2010 05:05 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, các cơ sở thủ công mỹ nghệ có thể tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở làm gì và mong muốn gì từ chính sách?
img
Thợ trẻ hoàn thiện sản phẩm đúc đồng ở làng nghề Tống Xá (Ý Yên, Nam Định).

NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Thỉnh - Nghệ nhân đúc đồng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc (Nam Định).

Ông nhận định thế nào về thực tế dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn?

- Các nghề thủ công mỹ nghệ có tác động lớn giúp chuyển dịch lao động nông thôn. Tuy vậy, theo đánh giá của tôi, chuyển dịch lao động giờ là cả một vấn đề, không phải địa phương nào cũng làm được. Chuyện nông dân bỏ tiền ra học một cái nghề, nhất là nghề thủ công mỹ nghệ rất ít, chỉ những người rất tâm huyết. Hơn nữa, dạy nghề thủ công mỹ nghệ phải gắn với tạo việc làm nên không phải trung tâm dạy nghề nào cũng dạy được.

Việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn chúng tôi đã làm từ lâu nhưng gặp nhiều cái khó, chủ yếu là từ phía lao động. Tham gia chương trình này chúng tôi hi vọng sẽ thu hút được nhiều lao động hơn, hình thành được những cụm làng nghề, phố nghề bởi nghề đúc đồng đang có nhu cầu nhân lực lớn…

Nhiều người cho rằng các nghề thủ công mỹ nghệ chủ yếu là truyền nghề chứ không có “chuẩn” nghề, ông nghĩ sao?

- Đúng là nghề truyền thống thì yếu tố truyền nghề rất quan trọng, nhưng không phải là không có “chuẩn”. Và cho dù nó chưa có “chuẩn” thì phải xây dựng để đảm bảo tính chính quy, chuyên nghiệp. Hiện tôi đang ở trong Ban chủ nhiệm xây dựng Chương trình dạy nghề cho hệ trung cấp, hệ cao đẳng nghề đúc đồng để áp dụng cho cả nước. Ở các lớp tôi dạy đều có song song lý thuyết và thực hành.

Thời gian dạy nghề cho lao động nông thôn thông thường là 3 tháng, theo ông liệu lao động có thành nghề?

- Thực ra đó là bài toán rất khó, trong thời gian có 3 tháng lo đầu vào, đầu ra cho hàng trăm lao động và đảm bảo họ thành nghề thì không ai nói chắc được. Sau 3 tháng, lao động có kỹ năng nghề, tổ chức được sản xuất là thành công nhất, nếu họ không làm được việc đó thì chúng tôi giao nguyên liệu cho họ làm gia công để tạo việc làm. Theo tôi, mở lớp hàng trăm người, học xong độ vài chục người trụ lại với nghề đã là thành công.

Hiện chính sách chung của Quyết định 1956 là hỗ trợ dựa theo đối tượng chứ không phải theo nghề, điều đó có phù hợp với nghề đúc đồng nói riêng và thủ công mỹ nghệ nói chung, thưa ông?

- Theo tôi, hỗ trợ của nhà nước cho công tác dạy nghề là rất quý nhưng không nên dàn trải. Thực tế với nghề thủ công mỹ nghệ thì mỗi nghề có một đặc thù, chi phí đào tạo tuỳ thuộc vào nguyên liệu học, công nghệ. Như lớp dạy nghề của tôi, tính ra chi phí cho mỗi đầu học sinh khoảng 3-4 triệu đồng/em/khoá. Trong khi nghề mây tre đan học phí sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, dù nghề nào thì có hỗ trợ cũng đỡ hơn. Tôi đã đọc kỹ Quyết định 1956 thì thấy khoản hỗ trợ từ 2 - 3,5 triệu đồng (tuỳ đối tượng) chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho người học. Còn về phía các cơ sở dạy nghề, chúng tôi hi vọng mình làm tốt, có phương án hợp lý thì nhà nước sẽ hỗ trợ cho thôi. Tôi cho rằng, điều này cũng là cạnh tranh công bằng.

Xin cảm ơn ông!

Quyết định 1956/QĐ-TTg khuyến khích dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn theo hướng chính quy. Cụ thể, nhà nước đầu tư xây dựng 9 trường trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ ở 9 tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống. Các trường này được hỗ trợ đầu tư xây dựng và thiết bị dạy nghề với mức đầu tư 25 tỷ đồng/trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp và cơ sở tư thục có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được tham gia dạy nghề bằng nguồn kinh phí quy định trong Đề án này và được cung cấp chương trình, giáo trình, học liệu và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.