Dân Việt

Bài toán tăng viện phí

22/07/2010 05:13 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo tăng viện phí, dự kiến có khoảng 70 dịch vụ, tiền viện phí sẽ tăng lên 7- 10 lần so với mức phí hiện hành (những dịch vụ khác tăng ở mức thấp hơn). Đây là bài toán khó cho rất nhiều phía, kể cả Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế.

Còn về phía người bệnh, đây sẽ là một “đòn” đánh thẳng vào 33 triệu người Việt Nam chưa có Bảo hiểm y tế, trong đó hầu hết là nông dân và những người nghèo ở đô thị. Bài toán viện phí sẽ được giải một phần lớn khi 33 triệu người “ngoài vùng phủ sóng” của Bảo hiểm y tế được quyền mua và có quyền lợi trong việc khám chữa bệnh có Bảo hiểm y tế tại các bệnh viện trong toàn quốc.

Lâu nay, mặc dù các bệnh viện đều kêu trời về mức giá viện phí “thời bao cấp” còn tiếp tục được duy trì, như mỗi lần khám bệnh chỉ tốn 3.000 đồng/người, nhưng trên thực tế, từ nhiều năm nay không bệnh viện nào còn giữ mức giá “bèo” ấy, mà họ đều lặng lẽ tự tăng lên gấp 10 lần và hơn nữa. Còn về giá giường bệnh điều trị, thì tuy mức phí quy định chỉ là 18.000 đồng/người/ngày, nhưng trên thực tế, người bệnh đã phải trả từ 100.000 đồng/người/ngày trở lên tùy từng bệnh viện. Như thế, những người không có Bảo hiểm y tế thì từ lâu đã phải chịu mức phí bệnh viện cao, ít nhất là ngang bằng với mức giá dự kiến tăng sắp tới.

Nhưng, ai dám bảo đảm rằng, khi mức giá viện phí mới được áp dụng, các bệnh viện vẫn giữ nguyên (tức là áp dụng đúng mức giá đã tăng này) mức viện phí như họ đã âm thầm tăng lâu nay, mà không một lần nữa, lại âm thầm tăng tiếp, lấy mốc giá viện phí đã tăng làm chuẩn.

Bài toán lại “mắc” ở chỗ Bảo hiểm y tế “kêu trời” vì lâu nay đã phải bội chi, nay tiếp tục chi trả tăng gấp nhiều lần như thế thì mức bội chi có thể đưa Bảo hiểm y tế tới phá sản. Bài toán ở khúc mắc này cũng cần được giải, vì nếu Bảo hiểm y tế tuyên bố không còn tiền để chi trả, thì 53 triệu người có Bảo hiểm y tế làm sao được các bệnh viện đối xử như “khách hàng (bệnh nhân) là Thượng đế” được!

Lâu nay, bệnh nhân có Bảo hiểm y tế đã kêu trời vì cách đối xử theo kiểu “khinh con… đẻ, bế con… nuôi” này của các bệnh viện. Nay, với mức giá viện phí tăng, hy vọng “con đẻ” sẽ được đối xử tử tế hơn một chút, nhưng chưa biết lúc ấy thái độ của Bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân sẽ thế nào. Một bài tính… quẩn, nhưng nhất định phải tính. Chỉ có điều, cách tính thế nào để hài hoà được các lợi ích, và nhất là không để người dân có nhu cầu khám chữa bệnh không bị thiệt thòi và bị đối xử tệ bạc.