Dân Việt

Không tăng sẽ rất nan giải

22/07/2010 05:16 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế xung quanh việc điều chỉnh viện phí.
img
Bà Tống Thị Song Hương.

Thưa bà, việc điều chỉnh viện phí sau 15 năm là cần thiết, nhưng trong 15 năm qua, các bệnh viện bù lỗ thế nào để duy trì hoạt động?

- Hiện nay, nếu có điều chỉnh giá nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế vẫn chỉ là tăng một phần theo tinh thần của Thông tư 14 ban hành cách đây 15 năm. Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hiện đang lấy chỗ nọ bù đắp chỗ kia. Lấy ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị để bù lấp lại khoản thâm hụt trong khám chữa bệnh, sử dụng vật tư tiêu hao.

Nếu được điều chỉnh viện phí lần này, nhà nước có tính đến cắt giảm ngân sách hiện đang cấp?

- Hiện nay, nhiều nơi cắt giảm kinh phí đào tạo, giảm duy tu bảo dưỡng... để bù vào viện phí. Do đó, nếu được điều chỉnh một phần viện phí lần này thì các cơ sở khám chữa bệnh sẽ không phải cắt giảm nguồn kinh phí đầu tư này. Nó được sử dụng đúng mục đích để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và người bệnh được thụ hưởng.

Với tư cách một người dân, bà đánh giá thế nào về việc tăng viện phí?

- Có thể nói như thế này, nếu lương tôi là 300.000 đồng/tháng, tôi đi khám bệnh hết 3.000 đồng, tôi chịu được. Nhưng với đồng lương ấy, tôi đi khám bệnh hết 30.000 đồng thì chắc chắn tôi cũng lo cho túi tiền của mình. Khi người dân lo lắng, ý kiến như vậy, Chính phủ cũng xem xét và chưa cho điều chỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hãy nhìn ngành y tế theo quan điểm là làm phúc lợi xã hội hay tự chủ tài chính. Nếu cho họ tự chủ tài chính thì phải cho họ tính toán chi phí hợp lý. Trong 15 năm qua, lương trung bình đã tăng 5-6 lần, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,5 lần... nhưng riêng viện phí không được tăng là một điều khá nan giải cho các cơ sở khám chữa bệnh.