Nhiều ý kiến cho rằng mức viện phí nên khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi trước khi điều chỉnh. |
Ông Triệu Sỹ Lầu - Uỷ viên Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tăng vào thời điểm này chưa thích hợp
Chúng tôi rất thông cảm với những khó khăn của ngành y tế hiện nay; các chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế cũng chưa tương xứng với những nỗ lực của họ. Tuy nhiên, việc tăng viện phí phải tính đến bối cảnh chung của toàn đất nước. Hiện nay, đất nước vừa mới bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng đang tăng; việc tăng viện phí thời điểm này sẽ có tác động lớn đến xã hội. Trong đó, người có thu nhập trung bình và người nghèo sẽ bị tác động lớn; còn người có thu nhập cao thì không bị tác động vì họ có đủ khả năng chi trả, chỉ muốn được điều trị tốt.
Hiện nay, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đang có kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH 12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Việc giám sát việc thực hiện nghị quyết này có thể thấy được thực trạng của việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung. Qua đó, chúng ta có thể biết được có nên tăng viện phí hay không. Vì thế, việc tăng viện phí nên lùi lại một thời gian nữa.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Thạc sĩ Y tế Công cộng (Bệnh viện Nhi T.Ư): Cần lấy ý kiến bệnh nhân
Hiện nay, giá gửi xe ở Bệnh viện Nhi là 3.000 đồng/lượt, trong khi khung giá khám bệnh hiện hành cũng là 3.000 đồng. Một người bình thường cũng thấy sự vô lý, ông trông xe chỉ cần chăng dây, thu tiền trong khi 1 bác sĩ phải học hành 10 năm mới có thể khám bệnh mà công xá như nhau. Theo tôi, việc tăng viện phí là cần thiết. Việc tăng viện phí cũng góp phần thúc đẩy người dân mua bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo tôi mức thu bảo hiểm y tế không nên cào bằng như hiện nay, người giàu, người nghèo không nên có cùng một mức giá mà nên phân loại. Ai đóng cao hơn thì được chi trả dịch vụ nhiều hơn. Ngoài ra, việc tăng viện phí thế nào là hợp lý, mức tăng căn cứ vào đâu thì Bộ Y tế nên có những khảo sát, điều tra, nghiên cứu dọc, lấy ý kiến của cả người cung cấp và người sử dụng dịch vụ.
TS. Nguyễn Cao Luận - Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai): Tăng thu người giàu, hỗ trợ người nghèo
Việc tăng giá các dịch vụ kỹ thuật y tế là hợp lý vì theo tôi nhiều kỹ thuật ở Việt Nam giờ đây đã rất hiện đại, ngang tầm thế giới nhưng giá lại thấp khó tin. Ví dụ như chạy thận nhân tạo, giá ở Việt Nam là 300.000 đồng/lần trong khi ở các nước khác thấp nhất cũng 50 USD và phổ biến ở mức 200 - 300 USD (từ 1 - 6 triệu đồng/lần). Nếu Việt Nam điều chỉnh giá dịch vụ này tăng lên 800.000 đồng hoặc 950.000 đồng/lần sẽ cải thiện chất lượng rất nhiều. Cơ sở khám chữa bệnh sẽ có thu bù chi.
Nhiều người lo ngại tăng viện phí sẽ làm khó người nghèo, nhưng theo tôi, có tăng như vậy, bệnh viện có thể thực hiện miễn giảm luôn cho đối tượng người nghèo cùng chi trả 5%. Với những người đồng chi trả 20% sẽ được miễn giảm 10% trong số 20% đồng chi trả này.
Người không có bảo hiểm y tế lo lắng
Hơn 350 dịch vụ kỹ thuật y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng giá, trong đó có nhiều dịch vụ xét nghiệm, chiếu chụp, tiền giường bệnh - những dịch vụ người bệnh bắt buộc phải sử dụng - khiến nhiều bệnh nhân không có bảo hiểm y tế lo lắng...
Anh Nguyễn Văn Thọ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang điều trị tại BV Đa khoa Bắc Giang buồn bã: “Tôi là người không có bảo hiểm y tế, ngoài tiền nằm viện, tiền thuốc men chúng tôi còn phải chi tiêu rất nhiều các khoản khác. Nếu viện phí tăng nhiều, chúng tôi không kham nổi”.
Còn bà Phạm Thị Minh (quê Quảng Nam, có chồng nằm điều trị tại khoa Ung bướu của bệnh viện T.Ư Huế) bày tỏ: “Tăng viện phí mà vẫn phải nằm chung 2-3 người/giường thì người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tôi không tin sau khi tăng viện phí sẽ không còn cảnh này”.
Huyền Thanh - Hồng Hoa - Bảo An (ghi)