Ông Trần Quốc Kiếm (trái) kể với phóng viên về những năm tháng “đi điệu” đầy gian nan. |
Nguy hiểm trăm bề
Trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng được nâng cao nền để chống lũ ở làng Thanh Hưng, ông Trần Quốc Kiếm (50 tuổi) - một “dân điệu” mới bỏ nghề vì cạn sức đạp rừng - nhớ lại những ngày tháng “ngậm ngải tìm trầm” kinh hoàng.
Ông Kiếm kể: “Có một chuyện cách đây đã hơn 20 năm nhưng vẫn ám ảnh tui đến bây giờ. Lần đó, sau khi gặt xong vụ lúa hè thu, tui và hai đứa bạn cùng làng tên Tiến và Thu đóng cùi lên đường. Ròng rã cả tháng trời mà không kiếm được miếng trầm mô, lương thực mang theo cũng hết, bọn tui quyết định trở về.
Đang dọn đồ thì một cơn mưa rừng ập đến, nước lên nhanh, con suối nhỏ trước lán phút chốc biến thành con sông lớn chặn mất đường về. Ở lại thì cũng chết đói, bọn tui quyết định bơi qua suối để về. Cả 3 xuống suối, cố vượt qua dòng nước chảy xiết dưới trời mưa tầm tã.
Rốt cuộc chỉ có tui và Thu lên được bờ. Tôi không sao quên được hình ảnh Tiến chấp chới trên dòng suối, cố ngoi lên gào thét cầu cứu, vươn bàn tay về phía chúng tôi...).
Ông Kiếm đúc kết: “Chuyện đi trầm, trúng trầm xưa nay chẳng khác chi chuyện trúng số, ngàn người có một. Nhưng rủi ro thì dân “đi điệu” ai cũng... có phần. Nào sốt rét ác tính hành hạ, rắn cắn, hổ vồ, nào là bão xô, cây đè, lũ cuốn…Hầu hết những người “đi điệu” không gặp vận đều tổn hao sức khỏe”.
Một “hiểm nguy” khác đối với những người “đi điệu” là bị chính quyền nước bạn bắt giam vì phá rừng và nhập cư trái phép. Anh Hoàng Văn Quyết - một “điệu” đã từng 2 lần ngồi tù ở nước bạn chia sẻ: “Nhà tù của Lào là... dễ chịu nhất, rồi đến nhà tù Thái Lan, còn nhà tù Trung Quốc khổ lắm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến giờ, danh sách người làng Thanh Hưng đi tìm trầm phải ngồi tù cứ mỗi ngày một dài thêm, có thể tính đến hàng chục người.
Những cái chết bất ngờ
Ông Hoàng Văn Xuân
Khủng khiếp nhất đối với dân “đi điệu” là gặp “mẹo” (bọn cướp). Có mang bao nhiêu trầm gặp bọn này cũng phải vứt mà chạy tháo thân, chậm trễ là bỏ mạng giữa rừng. Giữa rừng sâu, mạng người như cỏ rác. Làng Thanh Hưng rất nhiều người trúng trầm đã bị bọn cướp bắn chết như các anh Lịch, Văn, Hạ, Tiến, Đức, Thu, Đoàn, Hồng, Thái… Nhiều gia đình mất một lần 2 đứa con, như gia đình ông Khương, ông Xuân...
Cho đến bây giờ, ông Hoàng Văn Xuân vẫn chưa thể nguôi ngoai khi nhớ lại cái ngày ông bất lực nhìn 2 đứa con trai bị bọn “mẹo” bắn chết. Ông kể lại trong nước mắt: Mùa hè năm 2007, tui và 2 đứa con đang đẽo một cây dó ở bên rừng Lào để tìm trầm thì nghe thấy có động, 3 cha con tui nép vào gốc cây ngồi im.
Thế nhưng từ trên dốc cao 5, 6 bóng người quần áo rách rưới, tay ôm súng chạy ào xuống. “Mẹo”, một ý nghĩ khủng khiếp ập đến, cả 3 cha con tui cùng ào chạy. Nhưng không kịp, bọn cướp đã nhả đạn. Khi nghe thằng Đoàn thét lên một tiếng rồi gục xuống, anh hắn là thằng Thu quá thương em đã quay lui dìu em thì bị chúng bắn luôn, tui bị thương nặng ngất đi, bọn cướp tưởng đã chết, nên bỏ qua.
Đến khi tỉnh dậy thấy đồ đạc, trầm mà 3 cha con tìm được trong suốt chuyến đi đã bị cướp hết. Tui cắn răng đào hố chôn qua loa 2 đứa con. Chôn con xong tui lê lết 3 ngày mới ra tới đường cái của bìa rừng rồi ngất lịm, người đi rừng gặp và đã cứu sống tui.
Từ ngày đó tới nay, trầm hương và 2 đứa con luôn ám ảnh tui. “Giá mà có một cái nghề để mưu sinh thì làm răng chúng mất mạng được” - ông Xuân nói trong nức nở.
(Còn nữa)
Phan Phương