Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam có mặt tại Hà Nội tham dự đại hội. |
Câu chuyện rôm rả nhất giữa các đại biểu vẫn là chuyện làm ăn. Anh Cao Xuân Hậu - ND SXKD giỏi nhiều năm liền ở thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang, Hà Giang) tâm sự: “Khi biết năm 2009 tôi thu hơn 2 tỷ đồng tiền bán nhím giống, nhím thịt, nhiều người nghe thấy ham. Nhiều người rất bất ngờ khi tôi chia sẻ bí quyết “không nên cho nhím ăn đủ đủ xanh”.
Với anh Phạm Đăng Khuyến - chủ doanh nghiệp xuất khẩu Thành Hoá (Yên Khánh, Ninh Bình), câu chuyện nhiều người quan tâm và cũng là điều anh muốn chia sẻ là kinh nghiệm tổ chức dạy, lan truyền nghề trong ND. “Những năm gần đây, các doanh nghiệp Thành Hoá phối hợp với các cấp Hội ND tỉnh tổ chức dạy nghề cho ND.
Đối tượng được doanh nghiệp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm là ND các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và ND vùng bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp. Có nghề, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn sẽ giảm, theo đó, tình trạng phức tạp ở nông thôn do “nhàn cư vi bất thiện” cũng sẽ giảm”- anh Khuyến thổ lộ.
Về dự đại hội, không chỉ có các ND “đại gia” sắm được xe hơi sang trọng, mà còn có những ND từ nghèo khó vươn lên. Anh Ma Min, dân tộc Êđê ở buôn Quen, xã Ea Bar , huyện Sông Hinh, Phú Yên là một trong những người như vậy. Cách đây hơn 10 năm, gia đình Ma Min nghèo nhất trong buôn.
Ba năm nay, Ma Minh đã đưa gia đình gia nhập danh sách những hộ khá trong xã. Ma Min khiêm tốn: “Cái tay phải làm, cái đầu phải nghĩ, mắt thấy cái gì tốt thì làm theo thôi. Chẳng hạn, mình đi học trồng cây cao su, về nhà mình trồng 5ha, năm nay cây đã bắt đầu cho khai thác mủ, chắc thu nhập phải hơn 100 triệu đồng...”.
Nhiều hộ không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn tham gia với Hội ND giúp đỡ những hộ nghèo. Anh Cao Xuân Hậu đã giúp 8 hộ thoát nghèo bằng cách cho vay không lãi 125 triệu đồng để nuôi nhím và đang giúp 3 hộ nghèo khác xây dựng mô hình nuôi nhím.
Ông Phạm Văn Ngữ ở ấp Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai nổi tiếng vì làm từ thiện. Với trang trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm rộng 130ha và xưởng cơ khí, ông đã tạo việc làm cho hơn 40 lao động là con em ND nghèo. Hiện ông đang nuôi 30 người khuyết tật, mỗi ngày nấu 200 phần ăn cho người già và bệnh nhân, cấp học bổng cho 30-40 học sinh nghèo, thường xuyên tặng gạo cho đồng bào vùng sâu...
Với các cán bộ hội về dự đại hội, chủ đề được nhiều người chia sẻ là làm thế nào để xây dựng Hội vững mạnh. Mỗi đại biểu đem về một cách làm riêng với sự sáng tạo, nhiệt tình của “thủ lĩnh” ND. Năm 1995, chị Mã Thị Lý được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã Minh Sơn (Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Đến nay chị Lý đã đưa Hội ND xã thoát khỏi tình trạng “3 không-không hội viên, không sinh hoạt, không kinh phí” trở thành cơ sở Hội vững mạnh. “Nắm bắt, hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của ND thì sẽ thu hút được ND” - chị Lý tự tin.
Câu chuyện về thu hút ND vào Hội của anh Lê Thanh Hùng - Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Quý (Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp) lại ở cách tổ chức các mô hình hợp tác. “Hội ND xã đã thành lập các tổ, nhóm, CLB như tổ hùn vốn cất nhà; tổ hùn vốn mua sắm vật dụng gia đình; tổ hùn vốn tương trợ; CLB ND đàn ca tài tử; CLB ND thể thao; CLB ND với pháp luật, CLB trợ giúp pháp lý... Nếu như năm 2004, toàn xã mới có 640 hội viên, đến nay con số này là 2.289 người”- ông Hùng cho biết...
Nguyễn Công