Dân Việt

Câu mực âm phủ ở Trường Sa

15/09/2010 13:53 GMT+7
(Dân Việt) - Khi ánh mặt trời lặn sâu dưới những con sóng cao như mái nhà, là lúc ngư dân sửa soạn đồ nghề xuống biển câu mực. Họ chấp nhận mưu sinh trong đêm trước sự rình rập của biển khơi, và tự nhận mình là những người đi “vớt rau của âm phủ”.
img
Phơi mực sau đêm câu.

Xuống biển

Nhìn con nước từ màu xanh chuyển sang màu đen thẫm, thỉnh thoảng lại nổi lên những bọt bong bóng trắng lúc thưa, lúc mau, thuyền trưởng tàu QNA91779 Lương Văn Com (quê xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) đang câu mực ở khu vực đảo Song Tử Tây, Trường Sa nói: “Nước đẹp đấy, mực hôm nay đi theo dòng, chuẩn bị xuống biển thôi các bạn ơi”.

Nghe tiếng hú của thuyền trưởng, từng đám ngư dân tạm dừng cuộc chơi xếp binh xập xám để ra ngó con nước. Một người trẻ tuổi thắc mắc: “Sóng dữ quá xuống có an toàn không? Nước này mà thả trôi mủng thì mai tìm cả ngày cũng không hết!”. Thuyền trưởng Com cự lại: “Lâu rồi bữa nay mới nhìn thấy nước đẹp, anh em ráng làm đi, mau đầy giàn mà về với vợ với con”. Quay sang tôi anh bảo: “Nước hôm nay đẹp lắm, đúng màu mực đi”.

img Mỗi thuyền được 250kg mực tươi, phơi được khoảng 45kg mực khô, tính giá hiện tại thì đêm qua mỗi người được khoảng 3 triệu đồng!. img

Thuyền trưởng Lương Văn Com

Lúc này tôi mới kịp quan sát màu nước mà cánh câu mực vẫn gọi là nước tiền, nước bạc. Quả đúng như lời thuyền trưởng Com nói, giữa màu xanh ngắt của đại dương, nổi lên những vết đen lúc mờ lúc tỏ. Chỉ vào con nước ấy, anh Com giảng giải:?Giống cá mực bao giờ cũng đi theo đàn, chúng bơi kiểu máy bay phản lực.

Trong lúc bơi chúng tiết một lượng mực nhỏ ra môi trường nước, làm nước biển có màu xanh thẫm giống như màu mực viết đen pha loãng. Chỗ nào tập trung mực nhiều là chỗ đó nước có màu đen và thỉnh thoảng lại có những bọt trắng to bằng đầu ngón tay nổi lên. Giải thích xong anh Com nói chắc như đinh đóng cột: “Đàn mực này chỉ nằm ở độ sâu tối đa là 200m. Hôm nay mà không hốt được hết thì phí lòng Bà Cậu thương”.

Bốn giờ chiều, từng tốp ngư dân chuẩn bị đồ nghề, mỗi người mang theo cả chục chiếc bát câu và một bình ắc quy với 2 bóng đèn, một để làm đèn báo, một để làm đèn nhử. Vừa thử chiếc bóng đèn của mình, anh Lý, một thợ câu nhiều năm lênh đênh trên biển nói: “Đêm trên biển phải có cái đèn này để báo hiệu, không các tàu đi đêm đè vào thì tan cả thuyền cả người”.

Thấy túi mồi anh định mang theo nhỏ xíu, tôi thắc mắc với anh sao đi câu mà mang mồi ít thế? Anh Lý bảo, mồi chỉ dùng lúc đầu thôi, còn lúc nào câu được mực lại dùng chính mực làm mồi mới nhạy. Nhìn các bạn câu đã sửa soạn xong anh Com kéo một hồi còi dài rồi đánh tàu lượn một vòng quanh vùng nước có màu cá mực.

Lần lượt cứ 3 thuyền thúng một cụm được thả xuống cách nhau khoảng 300m. Vừa lái tàu anh Com vừa giải thích, phải thả 3 chiếc một để có gặp sự cố trên biển thì còn ứng cứu được với nhau. Sau hơn 1 tiếng chạy lấy điểm, 35 chiếc thuyền thúng mang theo 35 thợ câu đã được thả xuống biển, trôi lập lờ như những lá tre rụng xuống ào tù.

Kéo co trên biển

Sau mấy động tác khoả mái chèo, chiếc thuyền thúng không còn quay như chong chóng như trước nữa. Ròng chiếc đèn mồi xuống nước khoảng 2m, anh Lý đớm mồi vào lưỡi rồi thả xuống biển. Nhìn quầng sáng dưới biển phát ra từ bóng đèn lấp lánh như soi gương trong trời nắng, anh Lý châm điếu thuốc hút. Sảng khoái phả đám khói lên trời, anh bảo: “20 phút nữa là có mẻ mực đầu tiên!”. Tôi lặng lẽ ngồi dựa lưng vào mạn thuyền chờ đợi.

Chưa hút hết điều thuốc thì dây câu của anh Lý đã căng tít. Sau mấy sải tay kéo, những con mực đầu tiên to như chiếc mo cau đã được kéo lên khỏi mặt nước, rồi nằm gọn trong lòng chiếc thuyền thúng. Bị túm lên cạn, nó phồng lên ngoe nguẩy những chiếc râu loạn xạ. Xong những động tác “phản đối kịch liệt” ấy, nó phì một cái nghe hệt như quả bóng xịt hơi để phun ra một tia mực đặc sền sệt.

Tôi tò mò định giúp anh Lý gỡ lưỡi câu ra thì anh nói: “Cậu cẩn thận, không biết làm thì đừng có làm, cái mỏ con mực khoẻ lắm, coi chừng nó nuốt mất cả ngón tay!”. Bằng một động tác thuần thục, anh Lý móc chiếc lưỡi câu ra khỏi mồm con mực, tiện thể cắt luôn chiếc râu to như ngón chân cái của nó làm mồi rồi lại thả tiếp xuống biển.

img
Thợ câu xuống biển.

Đang mải kéo lên thả xuống với những con mực to như mo cau ở khoảng cách 20m thì bát câu của anh Lý quay tít, dây câu như đang bị một cái máy cứ hút mãi xuống biển, anh Lý vồ lấy rồi liên tục thả dây câu ra. Hơn 300m cước đã được ròng xuống biển mà dây câu vẫn căng như dây đàn. Anh Lý nhìn sang tôi hồi hộp bảo: “Trúng mánh, gặp mực bà rồi!”. Đợi cho bát câu đã hết cước, anh Lý bắt đầu từ từ guồng lại, từng vòng chắc nịch. Thỉnh thoảng lại thả ra, rồi lại bặm môi guồng vào.

Đã nhiều lần đi biển nên tôi hiểu đây là một cuộc kéo co, giữa một bên là người và một bên là con cá khá to và khoẻ đang cố thoát thân. Hôm nay anh Lý đã gặp đúng đối thủ. Hai chân anh bạnh ra, bụng tì vào mạn thuyền thúng, 2 tay thì cố ghì lấy dây câu, thời gian như đứng im, nhưng con thuyền thúng vẫn chao lắc theo từng nhịp sóng. Sau cùng, từng sải dây câu được kéo lên theo mỗi động tác gồng tay của anh Lý.

Cuối cùng một vệt sáng trắng to bằng chiếc áo mưa đã bị người thợ câu lực lưỡng kéo nổi lên trên mặt nước. Một tay giữ câu, một tay anh Lý khua mái chèo cho thuyền gần với vệt màu trắng. Khi đã tới gần anh Lý với chiếc vợt đưa xuống xúc vật thể lạ kia rồi hối tôi giúp kéo lên thuyền thúng. Kéo chiếc vợt nặng chịch lên thuyền, tôi không tin vào mắt mình nữa, đó là 1 con mực khổng lồ to như tàu lá chuối, cả râu và thân nó dài đến 2m. Bị nhấc lên cạn, con mực co cơ, giật liên hồi như đèn nháy.

Sau một hồi thở dốc, anh Lý hổn hển bảo: “Mực bà đấy! Giống này sống ở độ sâu cả ngàn mét, quý lắm. Bắt được loại này thì chỉ để ăn chứ không bao giờ bán ra ngoài đâu. May mắn lắm hôm nay tôi mới tóm được con này. Chắc nó phải nặng đến 30kg đấy!”.

Kéo 30km cước câu một đêm

Sau một đêm trúng mánh, cả 35 chiếc thuyền thúng đều gần như đầy ắp ước chừng khoảng 250kg. Thế nhưng cũng theo anh Com, để có ngần ấy mực thì mỗi anh em đêm qua cũng kéo đến 30km cước câu. Nhiều người đã tứa máu tay vì bị cước cứa.

Để mừng một đêm thắng lợi, bữa sáng anh em phường câu có trận bia mừng công. Một con mực khô vàng óng, to như tàu lá chuối được đưa lên bếp nướng. Mùi mực thơm đến nhức mũi. Đưa cho tôi một miếng mực dày như ngón tay, anh Lý nói: “Mực bà đấy, chắc chỉ đi biển anh mới được ăn thôi!”. Miếng mực vừa mềm vừa ngọt khác hẳn với những con mực tôi đã ăn có vị mặn ở vùng biển này.

Sau bữa sáng, cả phường câu lại hối hả làm mực. Họ móc ruột rồi rửa sạch mang lên giàn phơi. Nghề câu mực ngoài sóng gió thì chèo giàn phơi cũng là một thử thách. Khi leo giàn chẳng khác gì đang diễn xiếc thăng bằng trên dây. Những giàn phơi đều được cột bằng tre, mỗi con mực được cài vào một chiếc đinh để giữ, nếu nắng tốt 3 buổi sẽ khô.

Công việc của người thợ câu chỉ kết thúc vào lúc 11 giờ trưa, sau bữa ăn vội vàng cả tàu lăn ra ngủ lấy sức để tối đến lại chiến đấu với mặt biển đầy sóng.