Chưa có trường hợp nào bị xử phạt
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT (PC 67, Công an TP. Hà Nội) cho biết: “Ngay từ sáng sớm 15.4, PC67 đã bố trí trực địa bàn, kiểm tra tại các nút giao thông theo tinh thần của Thông tư 11/2013”. Tuy nhiên, tại các chốt giao thông làm nhiệm vụ, khi được hỏi, cán bộ, chiến sĩ CSGT đều khẳng định chưa nhận được chỉ đạo từ chỉ huy đội về việc xử lý phương tiện chưa sang tên đổi chủ, do vậy chưa tiến hành viết biên bản xử phạt lỗi này ngoài đường. Trao đổi với phóng viên NTNN, thượng sĩ Phùng Đức Hiếu - Đội CSGT Số 2 (PC67, Công an Hà Nội) cho biết: "Trong ngày đầu, chúng tôi vẫn xử lý các lỗi thông thường; còn lỗi xử lý xe chưa sang tên đổi chủ thì chưa. Trường hợp vi phạm các lỗi khác mà không mang đúng, đủ giấy tờ, chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở. Nếu người tham gia thông bị giữ phương tiện hoặc giấy tờ xe thì đơn vị xử lý sau vi phạm sẽ xác minh và xử phạt".
Người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện tại Đà Nẵng. |
Tương tự, tại nút điều hành giao thông Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2, cũng cho biết chưa nhận được thông tin phổ biến xử phạt lỗi chưa sang tên đổi chủ phương tiện. Do vậy, với tổ công tác này, khi phát hiện người điều khiển phương tiện chưa thực hiện sang tên đổi chủ, cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hướng dẫn. Trung tá Nguyễn Văn Đức- Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho hay: Hiện Đội CSGT số 2 chưa triển khai việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ. Do vậy các tổ công tác làm nhiệm vụ ngoài đường không được phép dừng xe người dân đang tham gia giao thông để xử lý lỗi không sang tên đổi chủ. Việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, do các điểm đăng ký phương tiện giao thông và các đơn vị phụ trách điều tra các vụ tai nạn giao thông truy nguồn gốc phương tiện, rồi ra quyết định xử phạt.
Lượng người đăng ký tăng vọt
Không phải chứng minh xe chính chủ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, khi bị dừng xe về những lỗi vi phạm thông thường, người điều khiển chỉ cần xuất trình đầy đủ đăng ký xe, bằng lái, bảo hiểm... Còn đăng ký đứng tên ai không quan trọng. CSGT không được phép hỏi người điều khiển xe về việc "sang tên đổi chủ" hay chưa. Còn những trường hợp vi phạm đến mức bị tạm giữ xe, nếu qua điều tra nghiệp vụ, xác định được phương tiện đã mua bán quá hạn 30 ngày mà không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định, người sử dụng xe sẽ bị xử phạt.
Mặc dù lực lượng CSGT chưa xử phạt, nhưng tâm lý e ngại cũng đã bắt đầu xuất hiện ở các chủ xe. Theo ghi nhận của PV tại Hà Nội, các điểm đăng ký xe của phòng CSGT và 29 quận, huyện ở thủ đô đều chật kín chủ phương tiện đến làm thủ tục. Có mặt tại phòng đăng ký, anh Nguyễn Mạnh, người dân ở quận Thanh Xuân cho biết: "Do quyết định xử phạt xe chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán đã có hiệu lực nên sáng nay tôi phải xin nghỉ làm tới đây tiến hành sang tên đổi chủ để đi lại cho yên tâm".
Để phục vụ nhu cầu của người dân, Phòng PC67 đã chủ động tăng cường cán bộ tiếp nhận xử lý hồ sơ, thực hiện đúng quy định thông tư mới ban hành. Do lượng người đến làm thủ tục đông nên ngày đầu tiên PC67 chưa thống kê được con số cụ thể. Thế nhưng, theo phòng PC67, trước thời điểm thông tư có hiệu lực, từ 1-14.4, số lượng xe ô tô đăng ký tăng đột biến, phòng đã tăng cường lực lượng lên gấp 2 lần để tiếp nhận hồ sơ, làm ngoài giờ hành chính nhằm thực hiện đăng ký cho phương tiện của người dân trong những ngày này.
Theo thống kê của Đội quản lý xe, từ 1.4 - 12.4, đã có gần 3.500 xe ô tô đăng ký sang tên đổi chủ, con số này gấp nhiều lần so với các thống kê trước đó. Cũng như ở Hà Nội, tại Đà Nẵng, theo đại tá Nguyễn Đến - Trưởng Phòng CSGT TP.Đà Nẵng, từ ngày 1-15.4, số người dân đi đăng ký sang tên đổi chủ xe tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 3.2013, với 264 trường hợp xe ô tô và 409 xe mô tô.
Lương Kết - Thắng Quang - Đình Thiên