Dân Việt

Rình rập xuất hiện nhiều loại cúm

16/04/2013 07:10 GMT+7
(Dân Việt) - Cúm A/H7N9 chực chờ xâm nhập, cúm A/H5N1 bùng phát ở chim yến chưa kiểm soát được, cúm A/H1N1 vẫn xuất hiện ở nhiều địa phương, cúm B đang vào mùa…

Cùng lúc, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh cúm mà người dân khó phân biệt từng loại.

Nhiều loại cúm nguy hiểm

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: Cúm là một bệnh truyền nhiễm gây viêm đường hô hấp cấp tính do virus. Có 3 tuýp virus cúm thường xuyên gây bệnh ở người là cúm A, B và C. Cúm B thông thường là cúm mùa, gây các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp thường tự khỏi sau 5-7 ngày hoặc chỉ cần điều trị bằng thuốc cảm cúm.

img
Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm cúm, rất cần được tiêm phòng.

Tuy nhiên, tuýp cúm A/H5N1 và H7N9 hiện nay lại khá nguy hiểm vì gây biến chứng viêm phổi và suy phủ tạng ở người.

Theo GS Lê Đăng Hà – nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng nhiệt đới T.Ư, cúm A có nguồn gốc từ gia cầm với 16 phân tuýp H và 9 phân tuýp N. Có nhiều phân tuýp lây nhiễm sang người như: H1N1, H5N1, H9N2, H7N7 và đến nay là H7N9. Còn một số tuýp khác từng gây dịch trên gia cầm như H5N2, H7N1… nhưng chưa lây nhiễm sang người.

Theo GS Hà, cúm A/H7N9 từng được phát hiện khá lâu trên chim hoang dã nhưng độc lực nhẹ, gây bệnh nhẹ hoặc không gây bệnh ở chim. Việc cúm A/H7N9 lần đầu tiên lây sang người, với tốc độ ngày càng nhanh, độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao cho thấy khả năng biến đổi gen nguy hiểm của virus cúm A.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 đang gây tử vong ở người hiện nay có chung triệu chứng sốt cao, ho, khó thở, mệt mỏi và gây viêm phổi cấp rất nhanh, khiến bệnh nhân tử vong. Vì thế, nếu người dân bị cúm, sốt cao, khó thở, tức ngực và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, hoặc ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.

“Đối với virus H7N9, các nghiên cứu cho thấy, chúng vẫn phản ứng đối với thuốc Tamiflu – đang dùng để điều trị virus H5N1 - nên nếu có bệnh nhân cúm do H7N9 thì vẫn được điều trị bằng thuốc này. Tuy nhiên, người dân không nên tự mua thuốc uống, tránh kháng thuốc khiến bệnh nặng hơn” – bác sĩ Hà cho biết.

Nên tiêm vaccin phòng cúm

Sáng 15.4, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống bệnh cúm A/H7N9 tại tỉnh Bắc Giang. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang, từ cuối năm 2012 đến nay các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 14 vụ vận chuyển kinh doanh gia cầm nhập lậu; phạt hành chính trên 29 triệu đồng. Sở Y tế Bắc Giang cho biết, hiện trên toàn tỉnh không còn thuốc Tamiflu dự trữ, nếu dịch cúm xảy ra trên địa bàn tỉnh sẽ không có thuốc điều trị.

Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, kết quả giám sát cúm ở Việt Nam năm 2012 cho thấy, virus cúm lưu hành chủ yếu là cúm A/H3N2 và cúm B. Vài năm gần đây, lưu hành thay đổi một chút là cúm B và cúm A/H1N1, cùng cúm mùa thông thường.

Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 15-42% số trẻ em dưới 10 tuổi thường bị nhiễm cúm. Khi bị cúm, trẻ em dễ có biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu khí quản… Điều này dẫn đến hậu quả trẻ em thường phải điều trị cúm rất lâu hoặc bệnh nặng hơn gây co giật do sốt, viêm não…

Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, 60% bệnh tật sẽ giảm nếu người dân được tiêm phòng cúm, các ca tử vong do cúm cũng giảm 70-80%. Đối với người khoẻ mạnh, sau khi tiêm phòng cúm, có đến 70-90% không bị nhiễm cúm.

“Khi bị cúm nói chung, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng gây khó chịu và giảm năng suất làm việc. Hơn nữa, khi bị cúm, sự miễn dịch của cơ thể cũng suy giảm, là yếu tố để nhiều virus khác xâm nhập vào cơ thể và biến đổi thành các bệnh nặng hơn, cúm nặng hơn” – TS Hiển cho biết.

Theo đó, người dân cần đi tiêm phòng cúm để bảo vệ sức khoẻ. TS Hiển cho biết, hiện nay chỉ có cúm B, H3N2, H1N1 là có vaccin phòng bệnh. Mỗi mũi vaccin có hiệu lực trong vòng 1 năm. Theo TS Hiển, ngoài tiêm phòng, người dân có thể tránh nhiễm cúm bằng cách ăn sạch, ở sạch, giữ nhà cửa thông thoáng, cần bịt khẩu trang khi tiếp xúc với người bị cúm.