Bước chân vào Trường Trung cấp Nghề thuỷ sản Hải Phòng, chúng tôi cảm nhận không gian ở đây thật sự vắng lặng và ảm đạm. Giáo viên thì ít phải lên lớp vì số lượng học sinh của trường thực sự rất khiêm tốn. Đến cuối tháng 7-2010, dù đã có thông báo tuyển sinh năm 2010 được gần 2 tháng nhưng trường vẫn chưa nhận được bộ hồ sơ nào đăng ký tuyển sinh.
Trao đổi với NTNN, Hiệu trưởng Bùi Văn Thuỷ cho biết, trường luôn ưu tiên đào tạo một số ngành nghề chính như: Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt; nước lợ, mặn; chế biến lương thực… Từ năm 2008 trở về trước, lượng học sinh của trường rất đông, duy trì ở con số gần 1.000 học sinh. Nhưng 2 năm gần đây, số học sinh của trường rất ít nên trường phải liên kết với doanh nghiệp, địa phương để mở lớp học tại chỗ. Con số hiện tại duy trì là 10 lớp với khoảng 100 học viên.
Lượng học viên này không theo học tại cơ sở chính của trường mà hầu hết là nông dân trẻ được chọn học tại địa phương. Phần nhiều trong số này được hưởng chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn như: Miễn học phí; học sinh tốt nghiệp được trường cam kết giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp với thu nhập ổn định, từ 2- 3 triệu đồng/người... nhưng hiện thí sinh đăng ký vào trường vẫn chưa có.
Thầy Lương Văn Nguyệt - Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, tuyển sinh nhiều năm nay, trao đổi: Về nuôi trồng thuỷ sản, phần lớn người dân nuôi quảng canh, không đòi hỏi đầu tư kỹ thuật, tay nghề, có học thì họ chỉ tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày. Những lớp dạy nghề sơ cấp, miễn tiền học phí mà người học cũng không mặn mà thì lớp dài hạn (hệ trung cấp) càng khó.
Trần Phượng