Cụ Nguyễn Thị Quang - người quyết liệt nhất đề nghị sửa đổi lệ làng. |
Khổ vì con gái lấy chồng
Ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, mỗi khi nhà nào chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con gái thì phân chia người nhà chạy khắp làng trên, xóm dưới để báo hỉ. Người đi báo hỉ chỉ chạy qua cửa gọi tên gia chủ thông báo ngày nào đến ăn cưới tại nhà ai xong là vụt đi luôn.
Nếu gia chủ chậm chân không chạy ra kịp thì lại phải sang hàng xóm hỏi lại để biết mà đến đúng nhà, đúng ngày. Nhưng sự báo hỉ lạ lùng đó vẫn chưa "sốc" bằng việc người làng đi ăn cưới nhà gái chẳng bao giờ mua quà hay tốn một xu tiền mừng.
Có đến 4 cô con gái nên ông Đỗ Văn Long ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội đã trải qua nhiều lần hết hồn vì phải lo tổ chức đám cưới cho con. Để lo cho con được chu đáo, vợ chồng ông phải gom toàn bộ số tiền dành dụm và vay mượn thêm mấy chục triệu đồng để tổ chức cỗ bàn linh đình mời làng trên xóm dưới. Khách đến chia vui cả nghìn người nhưng không một ai tặng quà hay mừng tiền cho nhà cô dâu vì đây là phong tục của làng từ bao đời nay.
Ông Long chia sẻ: "Bốn cô con gái nhà tôi đi lấy chồng đều không nhận được một đồng tiền mừng nào cả. Đám cưới cô con gái út vào năm 2004 vẫn chưa có tiền mừng. Lệ làng là thế nên mọi người cứ nhất nhất làm theo. Trước khi tổ chức hôn lễ thì bên nhà trai có mang sang mấy chục cân gạo, thịt và trầu cau để hỗ trợ nhà gái nhưng có thấm vào đâu so với số lượng cỗ bàn lên đến hơn một trăm mâm".
Cũng vì đông con gái nên đến nay dù đã 62 tuổi và đã nghỉ hưu, nhưng ông Long vẫn đau đáu lo lắng cho khoản nợ mấy chục triệu còn treo trước mắt. Ông bảo cũng may là trong 6 đứa con chỉ có 4 gái chứ nếu một bề gái cả thì chắc vợ chồng ông phải bán đất đi mới lo hết được hỉ sự cho con.
Bà Nguyễn Thị Hiền người cùng thôn có hai cô con gái cũng lắc đầu cười khổ sở khi nhớ lại hai lần gồng mình làm đám cưới cho con. Bà Hiền bảo, theo lệ làng thì đi ăn cưới nhà gái chẳng ai phải tặng quà hay mừng tiền gì cả.
Bù lại, những người đến ăn cưới ở nhà trai ngoài tiền mừng chú rể ra còn có thêm một phong bì nữa để cho cô dâu. Sau khi đám cưới tổ chức xong, mẹ chú rể sẽ trao toàn bộ số tiền này lại cho con dâu. Thường thì họ hàng, anh em thân thích của chú rể cho là chính và số tiền cũng chẳng được bao nhiêu.
Chính vì thế, sau ngày vui của các con, bố mẹ cô dâu lại nai lưng ra trên đồng ruộng và đôn đáo chạy thêm chợ búa để lo trả nợ nần.
Hết ôm đồm ăn cưới
Ông Phạm Hợp - cán bộ văn hóa xã Cát Quế, Hoài Đức
Dù đã gần 90 tuổi và là người rất thấu hiểu các phong tục tập quán của làng nhưng cụ Nguyễn Thị Quang - ủy viên BCH Chi hội Người cao tuổi thôn Bạch Trữ, lại là người kiên quyết đề nghị với các cụ cao niên trong làng thay đổi tục lệ bất công này.
Cụ Quang cho biết: "Đến nhà gái ăn cưới mà không mừng cho cô dâu thì đã là một gánh nặng không nhỏ cho gia đình họ rồi. Về sau, thương gia đình cô dâu thiệt thòi nên nhiều người khi đi ăn cưới nhà chú rể mới tăng tiền cho cô dâu lên và giảm tiền mừng chú rể đi, như thế lại thiệt thòi cho chú rể. Trong khi đó có những người quen của nhà gái thì vẫn được ăn cưới miễn phí.
Ngoài ra làng tôi từng có gia đình chú rể nhận được tiền cho cô dâu nhiều gấp mấy lần tiền mừng cưới. Sau khi trao tất cả số tiền đó cho nhà gái thì chỉ một tháng sau đôi trẻ mâu thuẫn và ra tòa ly hôn. Như thế là nhà chú rể vừa mất tiền vừa mất người, chẳng biết đến bao giờ mới có thể cưới lại được lần nữa.
Chính vì vậy, để cho công bình, trong các cuộc họp, tôi đã liên tục đề nghị sửa đổi lệ làng cho phù hợp với cuộc sống hiện tại, khách đi ăn cưới nhà nào thì mừng luôn nhà đấy".
Cũng theo cụ Quang thì từ khi làng sửa lệ, hiện tượng một người đi ăn cưới nhà chú rể còn tranh thủ chạy về nhà cô dâu ăn bữa nữa. Cụ Quang cười móm mém: "Giờ đến nhà cô dâu lại mất thêm một lần tiền mừng thì còn ai dám ôm đồm như thế nữa. Chạy cả hai bên chẳng ăn thêm được bao nhiêu nhưng làm bận bịu và lãng phí cho gia đình nhà gái".
Nhìn hai cô cháu gái đang tuổi cập kê, cụ Quang cười vui vẻ: "Ngày trước lo cưới cho mẹ chúng nó, tôi cũng phải chuẩn bị cả năm trời, rồi chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Giờ đến các cháu thì chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Dù tiền mừng không nhiều, mỗi người chỉ dăm ba chục nghìn nhưng cũng giúp cho nhà gái đỡ được phần nào gánh nặng".
------------------------
Đón đọc kỳ sau: “Hành” người đã chết
Nguyễn Thắng - Phúc Anh