Dân Việt

Sống cùng quá khứ hào hùng

07/09/2010 07:49 GMT+7
(Dân Việt) - "Tìm và gìn giữ những vật dụng hàng ngày của người lính trong chiến tranh là bài giảng thuyết phục nhất để giáo dục cho con cháu truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước", người cựu chiến binh Hồ Nguyễn Huy Thuận tỉnh Quảng Trị tâm niệm.
img
Ông Thuận bên những kỷ vật chiến tranh.

Người cựu chiến binh Hồ Nguyễn Huy Thuận (56 tuổi, trú tại số nhà 50, Trương Định, Khu phố 6, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Vào nhà ông Thuận, có lẽ điều gây ấn tượng lớn nhất là vô vàn vật dụng được ông thu về từ các chiến trường cũ được trưng bày tràn cả ra hiên nhà: "Nhà có 3 gian thì nguyên phòng khách tôi dành để trưng bày các kỷ vật, mọi thứ được xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích" - ông Thuận cho biết.

Đập vào mắt người xem là hai tủ kính với những đồng hồ, thìa, nĩa, cốc uống nước, ống pháo, bình hoa bằng vỏ đạn... "tủ bên phải là vật dụng của bộ đội ta, còn tủ đối diện là vật dụng của binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam" - ông Thuận giải thích. Mỗi kỷ vật đem về đều được ông Thuận tìm rõ nguồn gốc và ghi chú vào mẩu giấy nhỏ dán lên hiện vật.

Những hiện vật chưa có giấy kèm bên là hiện vật đang trong quá trình tìm hiểu, thu gom tài liệu. Theo ông Thuận, thu gom được kỷ vật đã khó nhưng tìm hiểu và giải thích lý lịch từng kỷ vật cũng không kém phần khó khăn: "Ví dụ như thìa nĩa của lính Mỹ tính sơ sơ đã 3 loại, loại lớn bằng Inox dành cho tướng, lính trú ngụ tại các đồn bốt, loại bằng nhựa dành cho lính trinh sát phải thường xuyên hành quân, còn loại nhỏ nhất được sử dụng trong các bệnh viện nhi, loại này cũng làm bằng Inox chống gỉ rất tốt" - ông Thuận lý giải.

“Bảo tàng kỷ vật” là tên mọi người phong cho căn phòng khách nhà ông Thuận và cũng không biết từ bao giờ người ta rỉ tai nhau để rồi ngày càng có nhiều người về đây tìm lại quá khứ từ những vật dụng được ông Thuận cất giữ.

Ông Thuận giải thích: "Mình gìn giữ vật dụng liên quan đến chiến tranh để lớp trẻ hiểu được lịch sử cứu nước của cha anh, biết yêu quý hoà bình hơn". Lo xa hơn, ông Thuận đã ghi chép lý lịch các kỷ vật vào một cuốn sổ gọi là sổ di chúc, với mục đích đời con đời cháu ông sẽ tiếp tục dựng "bảo tàng kỷ vật" to lớn hơn.

"Mọi người trong khu phố rất tự hào về ông, hàng tuần chúng tôi đều đưa mấy cháu nhỏ đến nhà ông Thuận xem kỷ vật chiến tranh" - bà Nguyễn Thị Tâm, một hàng xóm nhà ông Thuận và từng là thanh niên xung phong nhận xét về người hàng xóm có sở thích đặc biệt.