Cán bộ giao dịch Ngân hàng CSXH Long An giải ngân vốn vay ở xã Hướng Thọ Phú. |
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Lộc ngụ ấp 3 xã Hướng Thọ Phú (TP.Tân An) có nghề ấp trứng gia cầm (gà, vịt) truyền thống, mỗi tháng gia đình anh cho ra lò 8.000 con giống.
Năm 2003 dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện, lò ấp trứng của nhà anh Lộc cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng. Chấp hành chủ trương của thú y, vợ chồng anh tự nguyện tiêu hủy toàn bộ số gia cầm vừa nở và nhận đền bù 5.000 đồng/con.
Hết nghèo
Mất vốn làm ăn, nợ vay ngân hàng đến kỳ đáo hạn. Để giữ chữ tín, vợ chồng anh Lộc bấm bụng bán 2.500m2 thổ cư và 2.600m2 đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, chỉ giữ lại ngôi nhà chừng 100m2. "Trả xong nợ ngân hàng, nhưng kể từ đây vợ chồng tôi trắng tay. Tôi thì đi làm mướn còn vợ bán vé số dạo nhưng vẫn không đủ sống"- anh Lộc ngậm ngùi kể.
Ông Lê Thanh Điền- Phó phòng Nghiệp vụ, Ngân hàng CSXH Long An
Năm 2004, Ngân hàng CSXH tách ra từ Ngân hàng NN&PTNT, vợ chồng anh Lộc được Hội ND xã hướng dẫn làm thủ tục và bảo lãnh để Ngân hàng CSXH cho anh vay 5 triệu đồng mua một con bò sinh sản. Đến nay đàn bò của vợ chồng anh tăng gấp 10 lần.
Vợ chồng anh không chỉ trả xong nợ ngân hàng mà còn tích lũy được số tiền lận lưng, và 5 chú bò làm vốn. Năm 2010, gia đình anh được Ngân hàng CSXH cho vay tiếp 30 triệu đồng. Anh mua 1.000m2 đất lúa trị giá 70 triệu đồng. Anh Lộc vui vẻ khoe: "Kể từ đây gia đình tôi thoát nghèo, mừng hết biết".
Đánh giá về hiệu quả của vốn Ngân hàng CSXH đối với chương trình xóa nghèo ở xã Hướng Thọ Phú, ông Bùi Đức Ái - Chủ tịch Hội ND xã khẳng định: "Đầu năm 2010, trong tổng số 370 hộ nghèo trong xã có 277 hộ hội viên Hội ND.
Chúng tôi phấn đấu, cuối năm nay sẽ đưa 60 hộ ra khỏi danh sách nghèo. Nhờ có vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng dưa hấu.. từ đầu năm đến nay, 20 hộ như gia đình chị Nguyễn Thị Trò, Phùng Thị Đi, Phạm Thị Nhanh ở chi hội 1; Phạm Thị Linh ở chi hội 3… đã xóa xong nghèo”.
Hết dùng nước ô nhiễm
Không chỉ cho ND vay vốn sản xuất, hàng trăm hộ còn được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để làm công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Theo ông Bùi Chí Thanh - Tổ trưởng tổ giao dịch lưu động Ngân hàng CSXH Long An, đến giữa tháng 7-2010, trong số 441 hộ ở xã Hướng Thọ Phú vay 1,6 tỷ đồng để thực hiện chương trình vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt thì 179 hộ là hội viên Hội ND, vay 581 triệu đồng.
Để quản lý đồng vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, những hội viên này đã thành lập tổ "Nước sinh hoạt".
Tại chi hội 3, bà con đã góp tiền để khoan giếng, xây dựng giàn lọc từ mấy năm trước, nhưng do còn một số hộ nghèo không có khả năng bắt đường ống, gắn thủy lực kế đành phải sử dụng nước tích trữ từ mùa mưa. Nay Ngân hàng CSXH cho mỗi hộ vay 4 triệu đồng, được tổ “Nước sinh hoạt” kéo đường ống, gắn đồng hồ nên 100% số hộ được dùng nước sạch.
"Nay ai cũng được sử dụng nước sạch nên cuộc sống thoải mái, 6 tháng một lần, tổ công khai thu-chi tiền nước và vốn tiết kiệm của tổ viên nên bà con càng tin vào tập thể". Được biết, đến tháng 7-2010 tổng số tiền quỹ của tổ “Nước sinh hoạt” chi hội 3 lên 20 triệu đồng"- ông Nguyễn Văn Hòa, tổ trưởng tổ “Nước sinh hoạt” chi hội 3 cho hay.
Khuynh Diệp