Kè bị sụt khiến con đường bên cạnh cũng bị sạt gần hết. |
Chưa xong đã hỏng
Để bảo vệ hơn 150 hộ dân và đất sản xuất khỏi bị “bà thuỷ” cuốn trôi, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Kè Tịnh Sơn với tổng chiều dài 1.000m, chia ra thành 5 gói thầu (4 gói xây lắp, 1 gói khảo sát thiết kế bản vẽ thi công). Công trình được giao cho Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng khoảng 6,4 tỷ đồng.
Theo quyết định thì mỗi gói thầu thi công không quá 100 ngày, thế nhưng sau khi khởi công vào tháng 9-2007, thì đến khoảng cuối năm 2008, công trình này mới hoàn thành. Tuy nhiên khi công trình vẫn chưa nghiệm thu thì gần 100m kè, thuộc gói thầu số 2, với tổng số tiền đầu tư 1,524 tỷ đồng đã bị sạt lở, hư hỏng gần như toàn bộ.
Ông Huỳnh Khương - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi
Ông Nguyễn Thành Quân, một người dân sống ở khu vực kè, lắc đầu: Vào mùa mưa lũ, dòng nước tại đoạn sông này chảy rất mạnh nên hàng năm khu vực này bị xói lở khá nặng, đe doạ đến sinh mạng và tài sản của hàng chục hộ dân đang sinh sống nơi đây.
Cứ ngỡ có kè rồi thì người dân sẽ được an toàn khi mùa mưa bão đến. Nào ngờ được bảo vệ đâu chẳng thấy mà kè sụt lún xuống còn làm nứt cả vách tường một số nhà lân cận.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn bày tỏ: Sau khi xảy ra sự cố trên, nhận thấy nguy cơ nước sông sẽ tiếp tục phá huỷ những đoạn kè khác và “xoá sổ” luôn phần tuyến đường đi lại nằm cạnh đó; đe doạ tính mạng, tài sản của người dân nên UBND xã đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư khắc phục. Tuy nhiên vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Lỗi do khách quan?
Tại buổi làm việc với NTNN, đại diện chủ đầu tư, ông Huỳnh Khương - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi) khẳng định: Quá trình thi công đều được giám sát rất kĩ và nghiêm ngặt nên không có chuyện công trình bị “rút ruột”, mà nguyên nhân dẫn đến sập lún là do phần nền của đoạn kè trên yếu.
Và nếu nói lỗi này là do đơn vị khảo sát thì cũng không đúng. Bởi vì quá trình thực hiện khảo sát, đơn vị đảm nhận vẫn tuân thủ đúng theo quy định. Nghĩa là: Khoảng cách giữa các điểm khoan vẫn đảm bảo từ 150-300m, với độ sâu khoảng 10m.
Trong khi đó đoạn bị sụt lún lại nằm giữa 2 điểm khoan và ở độ sâu hơn 20m, gần gấp đôi…Vì thế đoạn kè bị sụn lún là do nguyên nhân khách quan. Sự việc này cũng đã được báo cáo với UBND tỉnh, thế nhưng do chưa có kinh phí nên mới kéo dài gần 2 năm nay.
Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở NN&PTNT Quảng Ngãi khẩn trương lập kế hoạch và lựa chọn giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Kinh phí sửa chữa sẽ được tạm ứng từ ngân sách của tỉnh.
Công Xuân