Dân Việt

Vắng bóng nhân vật chính

29/07/2010 05:42 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 28-7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau”. Tuy vậy, hội thảo lại vắng bóng “nhân vật chính” là gia đình và học sinh.

Không chỉ học sinh cá biệt mới...bạo lực

Bà Phan Thị Thuý Vĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9, TP.HCM)- ngôi trường từng có video clip học sinh đánh nhau nổi tiếng cả nước cho biết: “Bạo lực học đường tưởng rằng chỉ xảy ra ở những học sinh cá biệt nhưng thực tế thì có thể xảy ra với hầu hết học sinh”.

Bà nêu dẫn chứng vụ việc mà người lớn nghe qua sẽ thấy… buồn cười: Có 1 nữ sinh lớp 4 và 1 nữ sinh lớp 8 đều thích một anh lớp 7. Thế là chị lớp 8 đón đường đánh em lớp 4 vì… ghen. Ngoài ra, các cuộc cãi nhau, ẩu đả chỉ vì cái nhìn thiếu thân thiện cũng diễn ra thường xuyên…

Theo nhận xét của các chuyên gia giáo dục, bạo lực học đường thường xảy ra với những học sinh cuối cấp, bởi trong giai đoạn này tâm lý, cảm xúc các em phát triển không ổn định, thích thể hiện mình trong các mối quan hệ tình cảm phức tạp, thiếu sự quan tâm giáo dục của bố mẹ, nhà trường, thiếu kỹ năng sống, khả năng kiểm soát bản thân. Đồng thời, khi chính môi trường xã hội phát triển, sách báo văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực trong gia đình... đã tác động, ảnh hưởng đến hành vi nhận thức của các em.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, Bộ GD-ĐT cùng các Sở, các trường đã đưa ra các phương án giải quyết, phòng ngừa như nâng cao sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan ban ngành; Đổi mới chương trình giáo dục đạo đức lối sống, tạo đội ngũ giáo viên tâm lý nòng cốt để tư vấn cho các em... Đặc biệt, phải nâng cao, hỗ trợ kiến thức cho cha mẹ học sinh trong việc quản lý, chia sẻ tâm lý với các em.

Dừng lại ở một chiều…

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2009-2010 trên cả nước xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Các trường đã xử lý, kỷ luật khiển trách 881 trường hợp, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn 735 trường hợp.

Nghe qua các giải pháp trên, chính các đại biểu cũng thấy “quen quen”, bởi thực tế đó là những giải pháp đúng nhưng chỉ có thể thực hiện… trên giấy nếu không có sự tham gia của chính gia đình và bản thân học sinh. Thế nhưng, trong suốt cả cuộc hội thảo, không thấy bóng dáng của một bậc phụ huynh cũng như các em học sinh. Đây mới là những đối tượng chính, liên quan trực tiếp đến vấn đề, vụ việc bạo lực học đường và nhất là việc các em học sinh đánh nhau.

Bà Bùi Ngọc Diệp - Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho biết, trước Hội thảo, Viện cũng có đề xuất mời phụ huynh và học sinh tham gia để có cái nhìn toàn diện hơn, giải pháp hữu ích hơn nhưng “không hiểu vì sao không có”. Việc xuất hiện của các “nhân vật chính” sẽ giúp trả lời câu hỏi: Các phụ huynh trực tiếp có con từng tham gia đánh nhau họ có mong muốn gì và những giải pháp của họ ra sao? Các em học sinh đã tham gia trong những vụ việc như vậy có những nhìn nhận, bài học gì để từ đó đưa ra những nguyên nhân cụ thể, đề xuất những giải pháp thực thi.

Một hội thảo tìm kiếm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau có tầm cỡ quốc gia, có sự tham dự của nhiều bộ ban ngành, của nhiều trường… nhưng chỉ là ý kiến của các cấp lãnh đạo, quản lý liệu có đủ sức thuyết phục, thực thi và giải quyết những vướng mắc còn tồn tại?