Dân Việt

“Hành” người đã chết

29/07/2010 05:41 GMT+7
(Dân Việt) - Thừa Thiên- Huế nổi tiếng với tục lệ tổ chức đám ma nhiều ngày với tiệc tùng linh đình vào bậc nhất cả nước. Tục lệ này khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần ngập đầu, tình cảm sứt mẻ...
img
Người dân ở Thừa Thiên- Huế thường lưu giữ thi thể người chết trong nhà rất lâu rồi mới đưa đi an táng.

Quàn người chết… 30 ngày

Quê ở miền Bắc nhưng làm việc ở phường Phú Hội, TP. Huế, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần dự đám ma của các gia đình bà con bên vợ ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.

Anh Hùng tâm sự, mỗi lần dự đám ma ở quê vợ là một nỗi khiếp sợ đối với anh. Khiếp sợ không phải bởi đường sá cách trở hay phải chi tiền phúng viếng mà ở chỗ các đám ma được tổ chức quá nhiều ngày, thi thể người chết được lưu giữ quá lâu rồi mới chôn cất.

“Ở đây người ta thường lưu giữ thi thể người chết trong nhà từ 7-10 ngày mới an táng. Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường khách đến chia buồn khổ vì bị nhiễm lạnh”- anh Hùng nói.

Ở Phú Thuận cũng như hầu hết các địa phương khác ở Thừa Thiên- Huế, việc người dân lưu giữ thi thể người chết trong nhà sau 7 ngày là chuyện không có gì lạ. Thậm chí để tỏ lòng tận hiếu với người đã khuất, hoặc chờ người đi làm ăn xa kịp về nhìn mặt người chết lần cuối nên rất nhiều gia đình quàn xác tại nhà từ 15- 20 ngày rồi mới phát tang.

“Điều này trái với quy định về vệ sinh tang lễ của nhà nước nhưng nó đã trở thành hủ tục ngấm sâu vào nếp nghĩ của người dân nên không thể thay đổi được”- ông Dũng, một người dân xã Phú Thuận giải thích.

Theo chỉ dẫn của ông Dũng, chúng tôi đến nhà ông Q ở thôn Hòa Duân- nơi có đám tang đã bước sang ngày thứ 7. Ngôi nhà của ông Q nườm nượp khách vào ra thăm viếng. Tiếng khóc, tiếng nhạc đám ma ai oán, khói nhang nghi ngút nhưng vẫn không xua được cái mùi khó chịu và những luồng khí lạnh bốc lên từ quan tài.

Ông Q cho biết, ở làng ông việc giữ thi thể người chết từ 7-10 ngày là chuyện bình thường và đã trở thành tục lệ. “Mấy người bà con là Việt kiều ở Mỹ, Úc chưa về kịp nên chắc thi thể sẽ được giữ lại sau 10 ngày”- ông Q nói.

Nói đến chuyện ma chay dài ngày ở Thừa Thiên- Huế người ta thường nhắc đến ông Châu Cặn- người đã có thâm niên hàng chục năm làm nghề đưa ma ở đường Duy Tân, TP. Huế. Theo ông Cặn, việc giữ thi thể người chết 20 ngày chưa phải là kỷ lục.

Đích thân ông đã “đạo diễn” việc tẩm liệm và đưa tang cho hàng trăm gia đình quàn xác người chết tại nhà tới gần… 30 ngày. Tất nhiên do ông có “độc chiêu” trong kỹ thuật tẩm liệm nên những thi thể người chết để dài ngày như trên ít phát ra mùi hôi hơn.

Ông Cặn thừa nhận việc lưu giữ thi thể người chết sau 48 tiếng là trái quy định của nhà nước và gây ra hàng loạt phiền hà, tốn kém cho các tang quyến. Nhưng do tục lệ lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân trong tỉnh, mặt khác gia đình lại sống bằng nghề đưa ma nên không thể không nhận lời.

“Điếu văn” cho… người sống

Theo Điều lệ vệ sinh kèm theo Nghị định số 23/ HĐBT ngày 24-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng, người chết vì nguyên nhân thông thường thì phải chôn cất hoặc hỏa táng, điện táng trước 48 tiếng kể từ khi chết. Trường hợp chết vì dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm phải được chôn ngay, không được để quá 24 tiếng. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian, thi hài phải được lưu giữ ở phòng lạnh của bệnh viện hoặc phòng lạnh của nhà tang lễ.

Cùng với tục lệ lưu giữ thi thể người chết lâu ngày, hình ảnh có thể bắt gặp ở hầu hết đám ma nào ở Thừa Thiên- Huế là nạn ăn uống, tiệc tùng linh đình. Trong đó, các xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) thường nổi tiếng nhất tỉnh bởi có rất nhiều đám ma được tổ chức với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Nghe hỏi chuyện đám ma, ông Thọ ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An sốt sắng kể về đám ma của người bà con ở làng bên mà ông vừa dự. “Con cháu, họ hàng, lối xóm tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt linh đình hơn 7 ngày liền mà vẫn chưa phát tang. Nghe đâu tổng chi phí là gần 200 triệu”- ông Thọ kể.

Việc tổ chức ăn uống linh đình kéo dài khi trong nhà có người chết tại thị trấn Thuận An đã tồn tại cả trăm năm nay. Không chỉ những gia đình giàu có mà những gia đình nghèo khó cũng thực hiện tục lệ này khi có đám ma. Kinh tế khó khăn nhưng để tổ chức đám ma đúng như tục lệ, gia đình ông M ở làng Thai Dương đã phải huy động anh em đóng góp và vay mượn hàng xóm.

Đám ma hoàn tất, gia đình ông M nợ tổng cộng gần 100 triệu đồng. Nợ ngập đầu trong khi nghề chài lưới trên biển thất bát triền miên, các thành viên trong gia đình ông M trở nên mâu thuẫn và thường xuyên có sự xung đột. Ở xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An, thậm chí ở ngay TP. Huế, đã có nhiều gia đình tan nát, cha con, anh em lìa nhau vì nợ nần sau khi tổ chức đám ma theo tục lệ.

Theo bà Lê Thùy Chi - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình- Sở VH-TT&DL Thừa Thiên- Huế, tục lệ để thi thể người chết lâu ngày trong nhà và tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã trở thành nếp nghĩ của người dân trên địa bàn tỉnh. “Tục lệ này làm mất trật tự an ninh, gây ô nhiễm môi trường, mất thời gian và gây tốn kém cho người dân nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên không xử phạt được”.

----------

Đón đọc kỳ cuối: Chữ hiếu nặng vai