Dân Việt

Liên kết nuôi heo rừng

29/07/2010 16:53 GMT+7
(Dân Việt) - Sau một thời gian khảo sát và đánh giá, dự án cạnh tranh nông nghiệp viết tắt là ACP, (dự án thuộc Bộ NN&PTNT) đồng ý hỗ trợ cho “liên minh sản xuất và tiêu thụ heo rừng Tây Nguyên”, đại diện là Công ty TNHH NNH và HTX nông nghiệp Trường Xuân.

Tiềm năng lớn

Phương án sản xuất kinh doanh của liên minh heo rừng Tây Nguyên chính thức được ký kết tại thôn 4 xã Ea Dak, huyện Ea Kar giữa ngành chức năng, doanh nghiệp NNH và 90 xã viên của HTX nông nghiệp Trường Xuân.

img Dự án cạnh tranh nông nghiệp được Ngân hàng Thế giới triển khai từ tháng 1-2009, ở 8 tỉnh (6 tỉnh miền Trung -Tây Nguyên, 2 tỉnh Bắc miền Trung). Ở Đăk Lăk dự án khởi động từ tháng 1-2009, mục tiêu nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận thị trường của ND thông qua việc cung cấp công nghệ sản xuất tiên tiến; tổ chức lại sản xuất, hình thành các liên minh liên kết giữa các tổ chức ND với doanh nghiệp. img

Ông Nguyễn Quang Thụ - Phó Giám đốc dự án ACP- Bộ NN&PTNT

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp giống heo rừng đạt chất lượng, chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật, phòng trị bệnh cho heo và tiêu thụ sản phẩm cho ND. Người chăn nuôi chăm sóc heo theo kỹ thuật doanh nghiệp yêu cầu. Lợi nhuận chia theo thỏa thuận hai bên thống nhất.

Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 9,5 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp trên 358 triệu đồng, vốn của ND gần 5,3 tỷ đồng, vốn của dự án ACP hỗ trợ ND trên 3,5 tỷ đồng, vốn dự án ACP hỗ trợ cho doanh nghiệp hơn 360 triệu đồng. Dự án thực hiện trong 24 tháng.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc thành lập liên minh sản xuất và tiêu thụ heo rừng chất lượng cao Đăk Lăk, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Doanh nghiệp bắt tay với nông dân

Với tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (Đại học Hawaii- Mỹ), anh Nguyễn Ngọc Hiếu trở về Việt Nam và lên Tây Nguyên lập nghiệp. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, anh quyết định thành lập trung tâm nuôi heo rừng và Công ty TNHH NNH, trụ sở tại thôn 4, xã Ea Dak, huyện Ea Kar, hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, tiểu gia súc, động vật rừng có nguồn gốc hợp pháp…

Anh Hiếu tâm sự: “Thấy thị trường heo rừng đang bỏ ngỏ, ND chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều cộng với vấn nạn săn bắn trái phép thường xuyên xảy ra… Tôi quyết định lên Đăk Lăk nuôi heo rừng”.

Theo anh Hiếu, Thái Lan là nước đi đầu và đã thành công trong nuôi giống heo rừng, vì họ có quy mô sản xuất lớn. Để nghề này phát triển, phải có trang trại giống quy mô lớn và chuyên nghiệp từ khâu chọn giống đến phòng ngừa dịch bệnh, thử nghiệm các phương pháp tạo giống, cách chăn nuôi heo thịt, heo thương phẩm chất lượng cao…

Tuy nhiên, liên minh nuôi heo rừng vẫn còn không ít khó khăn. Theo anh Hiếu khó nhất là nguồn giống vì heo đực tỷ lệ sống không cao. Thứ hai là thủ tục bán sản phẩm. Một con heo muốn xuất chuồng phải qua ngành kiểm lâm kiểm tra, làm thủ tục… Nếu chẳng may vào ngày nghỉ của ngành chức năng thì việc bán heo phải tạm dừng.

Trả lời trước câu hỏi về thị trường heo rừng đang bị "bội thực", anh Hiếu cho biết: Liên minh không dừng lại ở việc bán giống, nuôi thương phẩm mà sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu.

Dự kiến năm 2010, liên minh bán 800 heo giống, 500 heo thương phẩm; năm 2015 dự kiến bán 4.000 heo giống, 3.000 heo thương phẩm. Hiện 90 hộ ND tham gia liên minh đã nhận heo giống về nuôi, bình quân mỗi hộ nhận 5- 10 con. Tới đây, mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng trong 3 huyện Ea Kar, M'Đrăk và Krông Păk.