Dân Việt

Bùng phát nhiều ổ dịch tai xanh mới

29/07/2010 17:50 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày qua, tại các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Nam, Tiền Giang đã phát sinh thêm nhiều ổ dịch lợn tai xanh mới.

Ngày 24 - 7, dịch tiếp tục xuất hiện tại 45 hộ của 22 xã thuộc các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và TP. Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang. Đến ngày 25 - 7, dịch lại tiếp tục phát sinh tại 3 xã mới là xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông; xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây và xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè.

Như vậy, đến thời điểm này, Tiền Giang có 8/10 huyện, thị trong tỉnh, với trên 10.300 con lợn nhiễm bệnh, trong đó số lợn phải tiêu hủy là 3.504 con. Trong khi đó, ông Lê Minh Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang cho biết: "Việc kiểm soát lưu thông vận chuyển hạn chế dẫn đến dịch bệnh lây lan. Tỉnh đã thành lập 5 chốt kiểm dịch trên các cửa ngõ đầu mối lưu thông, nhưng do còn nhiều ngõ ngách nên các thương lái né tránh rất dễ dàng".

Còn ở Bạc Liêu, từ ngày 13 đến 26 - 7, dịch tai xanh tiếp tục được phát hiện tại 3 hộ gia đình tại 3 xã mới là Thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, phường 7 và xã Vĩnh Trạch thuộc thị xã Bạc Liêu. Số lợn phát hiện tại các xã mới là 19 con. Như vậy, kể từ ngày phát sinh ổ dịch đầu tiên (5 - 7) đến nay, dịch tai xanh đã xảy ra tại 6 xã thuộc 3 huyện, thị xã là Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Bạc Liêu, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 181 con.

Tại Quảng Nam, dịch bệnh tai xanh ở huyện Duy Xuyên vừa bùng phát thì tiếp đó lại phát hiện 44 hộ gia đình có lợn bệnh ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn. Ngày 26-7, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Trạm Thú y huyện Duy Xuyên xác nhận vừa tiêu hủy khẩn cấp 7 con heo nái sắp đẻ của 5 hộ dân ở thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải) vì nghi bị dịch tai xanh.

Còn tại xã Điện Phước và Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, hàng chục con heo của một số hộ dân ở đây bỗng nhiên bỏ ăn, sốt cao, nằm ủ rũ khiến người chăn nuôi hết sức lo lắng. Chi cục Thú y Quảng Nam đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Trung tâm Thú y vùng IV (tại TP.Đà Nẵng) xét nghiệm. Tỉnh cũng vừa có thông báo gửi yêu cầu người chăn nuôi, chính quyền các địa phương và thú y cơ sở tuyệt đối không được giấu dịch, và phải công báo công khai cho báo chí, người dân được biết để phòng chống.