Dân Việt

Lăng mộ tiền tỷ - Những chuyện cười ra nước mắt

30/07/2010 11:04 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm cách thành phố Huế khoảng 60km, làng An Bằng của xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế từ lâu đã nổi danh là “thành phố lăng mộ” xa hoa vào bậc nhất cả nước...

Ở các xã vùng biển của tỉnh Thừa Thiên- Huế, người dân có tục lệ thể hiện chữ hiếu bằng việc xây lăng mộ hoành tráng cho người chết. Đằng sau những lăng mộ trị giá hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ là những chuyện cười ra nước mắt.

img
Người dân làng An Bằng báo hiếu người đã khuất bằng những biệt thự lăng mộ có một không hai .

Lăng to hiếu mới dày

Nằm cách thành phố Huế khoảng 60km, làng An Bằng của xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế từ lâu đã nổi danh là “thành phố lăng mộ” xa hoa vào bậc nhất cả nước. Biết tôi về tìm hiểu những “biệt thự lăng mộ” của làng mình, ông Hoàng, một người cao tuổi trong làng tự hào: “Có đến mấy nghìn cái lăng, cái mô cũng từ 200 triệu trở lên, cái đắt nhất gần 2 tỷ”.

Sợ bị lạc đường giữa “thành phố ma” sầm uất này, tôi nhờ anh Phát - một chủ thầu đang xây dựng lăng ở đây dẫn đường. Anh Phát dẫn tôi đến khu lăng của gia đình ông Lê Phú khi ông Phú vừa đến thăm lăng.

Lăng của gia đình ông Phú được xây dựng theo kiến trúc tổng hợp trên diện tích khoảng 300m2, cao hơn 5m, được trang trí bằng hàng loạt đầu rồng và những nét hoa văn cầu kỳ. Tầng trên cùng của lăng thiết kế hình bát úp nóc tròn theo kiểu hoàng lăng ở Ấn Độ…

Theo ông Phú, lăng này gia đình ông xây hết 70 nghìn đô la, tiền do con cái là Việt kiều chu cấp. “Cha mẹ nuôi mình nên người, giờ mình không biết đền đáp công ơn sinh thành bằng cách nào nên xây cái lăng thiệt to để báo hiếu”- ông Phú bộc bạch.

Cạnh đó, lăng của ông Lê Tuấn được con cháu góp tiền xây dựng còn lộng lẫy hơn. Lăng được xây theo kiến trúc Trung Quốc cổ. Chính giữa được trang trí hình chữ "Vạn" thể hiện mong ước được siêu thoát trong cõi niết bàn. Nhà bia phía sau là hai nấm mộ đắp nổi theo kiểu song táng như lăng Vua Gia Long, trong lăng có chỗ để người thăm lăng có thể nghỉ ngơi, tránh mưa nắng. Theo lời anh Phát, lăng này gia đình ông Tuấn xây ngót 90 nghìn đô la và là một trong những lăng “tốp trên” ở đây”- anh Phát cho biết.

Người dân các xã vùng biển của tỉnh Thừa Thiên- Huế còn có ý nghĩ lăng mộ cho người quá cố như “manh chiếu giữa làng”. Vì vậy họ thường xây lăng thật đẹp, hơn lăng của những gia đình khác nên chuyện đập lăng cũ xây lăng mới là chuyện thường diễn ra. Mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Kiêm ở làng An Bằng đã đập bỏ lăng cũ được xây chừng dăm năm trước với kinh phí gần 300 triệu đồng để xây một lăng mới trị giá gần 1 tỷ đồng.

Không chỉ những gia đình giàu có, có sự giúp sức của Việt kiều mới xây lăng mộ hoành tráng. Trên thực tế, rất nhiều gia đình nghèo khó ở những địa phương này vẫn xây biệt thự lăng mộ để báo hiếu theo tục lệ.

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị H ở thôn An Dương, xã Phú Thuận mất ăn mất ngủ khi được bố chồng giao chỉ tiêu đóng góp 10 triệu đồng để xây lăng cho mẹ chồng. Chị H thắc mắc việc phải góp số tiền lớn trong khi kinh tế gia đình chị khó khăn thì nhận được câu trả lời của bố chồng: “Hàng xóm người ta xây to được tại sao mình không, đây là chuyện manh chiếu giữa làng, biết nghèo nhưng phải cố gắng”. Phận làm dâu không dám trái lời, chị H cất công đi vay mượn khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ số tiền trong khi ngày khởi công xây lăng đã cận kề.

Theo bố chồng chị H, dự kiến lăng sẽ được xây với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Đến nay tiền đóng góp của con cái và tiền vay mượn mới được 150 triệu đồng nên chưa dám khởi công bởi sợ việc xây dựng dở dang người ta sẽ bảo “yếu mà ra gió”. Phú Thuận cũng như các xã Phú Hải, thị trấn Thuận An, Quảng Ngạn, Quảng Công… không “đủ cơ” để xây những lăng mộ tiền tỷ như làng An Bằng bởi có ít Việt kiều nhưng người dân vẫn “è lưng” xây nên những lăng mộ với kinh phí từ 200- 500 triệu đồng.

Người sống mất đất

img Lăng cũ lỗi thời rồi, ở như ri thấy tội người đã khuất. Mình muốn tận hiếu thì phải xây lại cho bằng người ta để ông bà nơi chín suối được mát mặt img

Ông Nguyễn Văn Kiêm

Việc người dân báo hiếu cho người đã khuất bằng những “biệt thự lăng mộ” đã và đang tiếp tục làm giảm quỹ đất của Thừa Thiên- Huế. Hiện tại, tỉnh này có diện tích đất xây lăng mộ thuộc vào hàng lớn nhất của cả nước.

Theo một con số thống kê mới đây, đất xây lăng mộ chiếm 1,62% đất tự nhiên và 15,7% đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích này xấp xỉ bằng tổng diện tích đất dành cho các công trình giao thông và đất thủy lợi của tỉnh cộng lại.

Trước thực trạng này, năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành quyết định về việc quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn đến năm 2015. Theo quy định này, chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ hung táng chôn cất một lần tối đa không quá 5m2/mộ, mộ cải táng tối đa không quá 3m2/mộ.

Thế nhưng suốt gần 2 năm nay, ở các vùng quê ven biển của tỉnh, hàng nghìn lăng mộ với diện tích từ vài chục đến vài trăm m2 vẫn mọc lên như nấm sau mưa. Trong đó, nhiều lăng mộ ở làng An Bằng có diện tích đến 600m2.

Tại các xã Phú Thuận, Quảng Công, thị trấn Thuận An… tập tục xây dựng lăng mộ hoành tráng bất chấp quy định cũng đã và đang khiến diện tích đất sản xuất và đất thổ cư của xã teo lại trong khi việc kiểm tra, xử lý của chính quyền chỉ như “đá ném ao bèo”.