Còn nhiều điều cần chấn chỉnh trong hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp hiện nay (ảnh minh hoạ). |
Nhốn nháo… chung
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật phát triển và cũng nảy sinh không ít phức tạp, tiêu cực. Rất nhiều người đã lên tiếng ca thán về điều này tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện quy chế hoạt động biểu diễn trong biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, tổ chức tại Hà Nội ngày 29-7.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc VN nói: “Chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc đưa pháp luật về tác quyền vào cuộc sống và bảo vệ tác quyền cho các tác giả. Mỗi năm có hàng ngàn cuộc biểu diễn được cấp phép, nhưng chỉ 2% trong đó xin phép sử dụng tác phẩm âm nhạc và trả tiền tác quyền”.
NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phân tích “thảm trạng”: Nhiều năm nay, để có được một đêm làm nghề cho xứng đáng là nghệ sĩ sao cực nhọc làm vậy! Chuyên nghiệp phải xếp lại để làm nhiều hơn cái phần không chuyên…
Ông Chức cũng nhấn mạnh vào hiện tượng “đầu trọc, váy ngắn” và mới đây là một chương trình “Bikini biến tướng”, những cái đó và nhiều biểu hiện thiếu thẩm mĩ khác đã làm cho nhiều quy định có tính pháp lý chỉ còn có giá trị trên văn bản.
Các đại biểu cùng phản ánh các tiêu cực khác như hát nhép tràn lan, biểu diễn không đúng với nội dung quảng cáo, sự thiếu thống nhất trong thủ tục cấp phép và đồng ý cho biểu diễn giữa các Sở VH-TT&DL địa phương.
Thực tế hoạt động biểu diễn quá phức tạp khiến thời gian qua dư luận đặt lại vấn đề nên hay không cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, cùng những hiệu quả và rắc rối có thể kéo theo xung quanh tấm thẻ. Có thẻ để dễ quản lý, nhưng liệu có cần thiết hay không, hay chỉ làm “nhiêu khê” thêm về thủ tục vốn đã khá cồng kềnh?
Cần hay không cần thẻ?
NSND Thái Phiên – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN cho rằng nên cấp lại thẻ hành nghề, vì lượng nghệ sĩ biểu diễn trong các lĩnh vực hiện rất đông mà chất lượng không đồng đều. Như trong biểu diễn múa có những người khổ luyện mãi mới thành tài, nhưng còn không ít người chỉ học hành hời hợt, “ngoại ngạch” cũng chạy show kiếm tiền.
Do đó, rất cần có thẻ để vừa đánh giá chất lượng, vừa dễ quản lý. Còn theo NSƯT Hoàng Cúc – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì tấm thẻ, nếu được cấp trên cơ sở kiểm tra sát sao và chất lượng nghệ thuật, thì còn là sự khẳng định, tôn vinh nghệ sĩ.
Về thủ tục cấp thẻ, bà Cúc nhấn mạnh, làm nghiêm túc nhưng cũng cần đơn giản hoá, các nghệ sĩ công lập thì đã có phòng hành chính của đơn vị lo giúp, các nghệ sĩ tự do, “tài tử” thì cơ quan chức năng cần tạo cơ chế cho họ đăng ký và được đánh giá về nghệ thuật.
Nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - ông Đăng Chương thì không nên làm rắc rối thêm khi chúng ta đang phấn đấu đơn giản hoá thủ tục hành chính. Hãy tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có tài được biểu diễn, và việc quản lý phải linh hoạt theo vùng, miền, địa bàn, chứ đừng áp dụng cơ chế, quy chế một cách cứng nhắc.
NSƯT Giang Mạnh Hà – Giám đốc Nhà hát Cải lương Đồng Nai cũng không “hứng thú” lắm với tấm thẻ khi cho rằng: Nghệ sĩ nhà nước đi biểu diễn thì về năng lực, chất lượng đã có lãnh đạo đoàn chịu trách nhiệm. Nghệ sĩ tư nhân thì có giám đốc công ty hay phụ trách đơn vị xã hội hoá đại diện. Nên quy về đầu mối chứ quản lý từng người bằng từng tấm thẻ, thì hàng mấy ngàn nghệ sĩ quản lý ra sao? Chưa kể có thẻ rồi có khi còn kéo theo những chuyện phức tạp khác…
Quang Hưng