Nhà thơ Vi Thuỳ Linh bên cầu Long Biên, Hà Nội. |
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh nói: Hà Nội là một tình yêu không thể thay thế với cuộc đời tôi. Bởi quá yêu, nên tất cả những gì làm tổn thương đến thân thể và linh hồn Hà Nội đều làm tôi đau đớn. Tôi đang yêu Hà Nội bằng Hà Nội tưởng tượng, không phải bằng Hà Nội thực tế này.
Tôi ước ao, Hà Nội trở về như thời Thạch Lam, như trong tranh Bùi Xuân Phái. Tất cả đều chậm rãi, nên thơ và ít người. Tôi nhấn mạnh sự ít người. Phố cổ Hà Nội đã mất gần như hết, chỉ có thể tìm phố cổ theo dấu vết ít ỏi còn lại. Tôi thèm mùi của phố như Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam. Hà Nội đang cần bảo hiểm bằng nhiều linh hồn yêu và hành động vì nó thực sự, chứ không phải được khuấy lên theo các đợt kỷ niệm.
Người xưa gọi Hà Nội (phố trong sông) là Nhĩ Hà, ví sông Hồng như cái vành tai. Vành tai đó đang muốn rách ra, bởi sự "tra tấn" thính giác mỗi ngày... Chúng ta đều mệt mỏi vì Hà Nội quá đông người khắp nơi đổ về đây…
- Phong thái ấy có thể rèn luyện, khi có ý thức. Không nhẹ nhàng thông lệ, vì tính cách tôi mãnh liệt, nồng nàn. Tôi đủ văn minh tri thức, văn hoá và sự tinh tế để không xấu hổ tôi là người Hà Nội.
Tôi nghĩ một Thủ đô phải có sự khoan dung như biển lớn, trăm sông đổ về biển mà biển vẫn không đầy, chúng ta không thể than phiền về một Thủ đô quá đông người nhập cư...
- Không thể cấm người cả nước về sống ở Hà Nội được. Nhưng đừng phá những gì đã có. Chúng ta không chỉ làm tổn thương những con phố, mà còn làm tổn thương những giá trị mang tính biểu tượng, như làng đào Nhật Tân... Đừng bắt Thủ đô phải gánh quá nhiều trọng trách văn hoá, chính trị kinh tế.
Như Paris, người Pháp không bắt phải gánh trọng trách kinh tế. Với vai trò là trung tâm văn hoá, mỗi năm Paris đón 60 triệu khách du lịch, đó cũng chính là kinh tế. Nói đến Hà Nội - Thăng Long là nói đến văn hoá đã (biểu tượng là Khuê Văn Các cơ mà), đừng dồn bắt Hà Nội gánh quá nhiều trọng trách.
Tôi nghĩ, được sống ở Hà Nội vào dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long là điều may mắn. Người Hà Nội đang cấp tập làm rất nhiều việc để chào mừng đại lễ. Là công dân Hà Nội, chị nhận được gì từ dịp đại lễ này?
- Tôi nhận lại được sự tiếc nuối. Mỗi ngày, đi qua đồng hồ đếm ngược, tôi hoảng hốt, và hụt hẫng. Chúng ta đáng lẽ chăm chút Hà Nội từ lâu rồi, chứ không phải chỉ làm theo kiểu "nước đến chân mới nhảy", cách 2 tháng mới dồn dập sửa sang. Có lẽ chúng ta hình thành thói quen này từ khi còn là đứa trẻ. Gần ngày đoàn kiểm tra đến, mới quét lớp, làm vệ sinh trường, tại sao không giữ sạch mỗi ngày, mà phải có đoàn kiểm tra đến mới làm? Chúng ta không cần phải giải ngân để tiêu cho hết tiền trước tháng 10. Hãy dành số tiền đó cho Hà Nội sau 10-10!
Người ta thường trực một câu: "Cả nước hướng về Hà Nội, cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long", tôi không tham vọng là cả nước sẽ yêu Hà Nội , mà tôi mong những người Hà Nội hãy yêu nó mỗi ngày, từ những điều bé nhỏ như giữ vệ sinh, rèn nếp sống. Đừng giữ sạch nhà mình, vứt rác ra đường, ăn đâu vứt đấy.
Chị đã từng vứt rác ra đường chưa?
- Chưa bao giờ. Đây là việc tôi làm hàng ngày: Mỗi tối đi đổ rác, gặp vỏ lon, bao bim bim vứt bừa bãi, tôi đều nhặt cho vào túi rác. Tôi từng qua Pháp và thấy, bất cứ người dân nào cũng có thói quen nhặt từ vỏ hộp, túi nilon rơi, bỏ vào thùng rác công cộng.
Cùng với thời gian, tôi nghĩ bản thân chị - một người Hà Nội, cũng như chính Hà Nội cũng có những sự thay đổi khác xưa mà chưa chắc mình đã nhận ra được...
- Thay đổi phải trên nền chung. Toàn cầu vận động theo xu thế phát triển bền vững. Người ta nói "Chè Thái gái Tuyên", song đâu phải tất cả cô gái Tuyên Quang đều đẹp. Ở đây, nói Hà Nội là nói cái khung mặc định, người ta đòi hỏi phải là nơi thanh lịch. Nhưng bây giờ, không thể vì nhìn thấy một người đàn ông ở Hà Nội chửi bậy, một cô gái nói ngọng rất to, rồi kết luận: "Người Hà Nội kìa!".
Hà Nội đẹp bởi kiến trúc phố cổ, biệt thự Pháp, nhiều hồ và cây xanh. Hà Nội thiêng bởi vẻ đẹp tinh thần ngàn năm của đất kinh kỳ văn hiến. Hãy giữ tất cả những vẻ đẹp bản nguyên, hào hoa, tràn đầy ánh sáng ấy, bằng những con người có tâm hồn biết yêu!
Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (thực hiện)