Nói nôm na là đất nước ta “lễ lạt” nhiều quá. Ngành ngành tổ chức, địa phương tổ chức, quốc gia tổ chức. Cúng ngày sinh, cúng ngày mất. Lễ dịp chẵn, lễ dịp không chẵn. Lễ, hội có hội thảo và không hội thảo. Mà đã lễ, hội thì phải long trọng, mà long trọng là phải cầu kỳ, chi tiết...
Cái sự “lạm phát kỷ niệm” ở ta lắm khi vừa làm kém thiêng, kém trọng các danh nhân, anh hùng, chí sĩ, vừa làm tốn kém tiền bạc của dân đóng góp qua thuế. Chưa kể nó còn làm nhọc sức nhọc công của dân, gây ra những phiền hà không đáng có. Cho nên chỉ thị của Bộ Chính trị là đã nhìn thẳng vào thực tế đó và muốn chấn chỉnh cho hợp lòng dân.
Ngay đến những sự kiện lớn của dân tộc, của cách mạng, Bộ Chính trị cũng quy định lại thời gian kỷ niệm lớn: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Giỗ tổ Hùng Vương, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc khánh... thì tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 10 năm một lần (năm chẵn) ở cả cấp trung ương và địa phương có liên quan đến sự kiện. Trung ương đã vậy, các địa phương có nhân vật, sự kiện lịch sử được kỷ niệm cũng theo đó mà làm.
Chỉ thị này của Bộ Chính trị được thi hành nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tinh thần vì dân vì nước, thì không chỉ tiết kiệm được tiền bạc, tránh những sự phô trương, lãng phí, mà còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu xa.
Vấn đề ở những dịp kỷ niệm, lễ... cúng không phải là cỗ bàn, thanh thế, mà là ở lòng thành tưởng nhớ và suy niệm. Các bậc tiên hiền tiền bối, các danh nhân lịch sử, họ chắc đâu có muốn, có thích con cháu cứ xây lăng to mộ đẹp cho mình, làm nhà lưu niệm rộng dài, cứ khấu đầu vái lạy, tụng ca toàn những lời nói suông, những ngôn từ trơn tru, mà quên đi cuộc sống thực tế hiện tại, mà không chú ý đến những điều thường ngày của quốc kế dân sinh.
Chỉ thị của Bộ Chính trị về giảm tần suất, quy mô, cấp độ tổ chức các ngày lễ kỷ niệm chính là hành động thiết thực học tập đạo đức Hồ Chí Minh về làm việc gì cũng đặt lợi ích của dân của nước lên trên hết.
Phạm Xuân Nguyên