Dân Việt

Điều ước đêm Trung thu của trẻ nghèo bãi rác

21/09/2010 12:25 GMT+7
(Dân Việt) - Khác xa với cảnh tràn ngập đèn lồng, múa lân, bánh kẹo... trẻ em nghèo ở các xóm chài, trẻ kiếm sống tại các bãi rác chỉ biết tới một Trung thu dè sẻn, nghèo khó, nhưng các em vẫn không thôi mơ - những giấc mơ giản dị mà lay động lòng người.
img
Ước mơ của cậu bé nhặt rác cùng mẹ ở bãi rác ở Nha Trang chỉ là nhặt được một chiếc đèn lồng.

Mơ đèn lồng, mơ được đi học

Nằm dưới chân đèo Rù Rì, "núi" rác thải tập trung của thành phố Nha Trang âm ỉ cháy, bốc khói khét lẹt, lúc nào cùng thường trực hàng trăm người nhặt phế thải.

Tại một điểm tập kết rác mới, chuẩn bị đưa vào bãi đốt, chúng tôi gặp hai chị em Nguyễn Thị Lan (12 tuổi) và Nguyễn Hữu Tài (5 tuổi) đang lúi húi moi từ trong đống rác bốc mùi tanh nồng ra những túi bóng nhựa.

Em Nguyễn Thị Lan không có chút cảm xúc gì khi tôi nhắc đến “Trung thu”. Lan bảo tôi: “Mẹ nói có thể bới được những cái đèn lồng Trung thu trong rác cho cu út chơi. Nhưng từ sáng tới giờ, em chẳng thấy cái nào, mà thôi, cũng không cần đèn lồng đâu..." - Lan nói.

Chị Nguyễn Thị Thôn (39 tuổi) cho biết: Trên bãi rác này có hơn 100 đứa trẻ theo cha mẹ đến sinh sống. Chúng dậy từ 3 giờ sáng, khi xe rác đến đổ, chúng đã cùng bố mẹ ùa đến nhặt nhạnh. Thời gian còn lại, chúng lang thang xin ăn hoặc cuốc cỏ thuê để xin đồ lễ tại nghĩa trang cạnh bãi rác. "Trung thu, ai chẳng muốn sắm cho con cái lồng đèn, cho chúng ít quà bánh phá cỗ, nhưng nghèo quá, phải cam chịu thôi."

Tương tự, tại đồi Trại Thuỷ (TP. Nha Trang) có 229 hộ sinh sống (2 tổ dân cư) với khoảng trên 300 em. Tuy nhiên, đây là khu dân cư nghèo, hầu hết đều làm "thợ đụng", ai mướn gì làm đó nên hoàn cảnh sinh sống và sinh hoạt của trẻ em ở đây rất khó khăn.

Ông Võ Văn Thọ, sinh sống tại đồi Trại Thủy trên 35 năm nay, cho biết: Trung thu này, tổ của ông có khoảng 200 cháu trong độ tuổi được nhận quà (8 tuổi trở xuống), nhưng vì mức đóng góp của các gia đình quá thấp, nên tổ đành "cắt" trung thu của trẻ từ 6-8 tuổi. Như vậy, trung thu này ở tổ ông chỉ có trẻ dưới 5 tuổi mới có quà trung thu, mỗi phần... 3.000 đồng!

Rời đồi Trại Thủy, chúng tôi cứ day dứt mãi về hình ảnh hàng chục đứa trẻ ngay trong ngày đầu tuần mà không đến trường, mỗi đứa ôm một bó nhang to tướng bán cho khách vãn cảnh chùa.

Bà cụ Nguyễn Thị Xuyến (70 tuổi) ở xóm chài Thành Công, phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa nói: Bà có 12 đứa cháu và 3 đứa chắt. Bố, mẹ chúng đều đi làm ăn xa, bà ở nhà trông nom hai đứa trẻ của cậu con út. Mấy đứa cháu của bà cũng biết được rằng gia cảnh chúng nghèo khó, nên không dám đòi hỏi gì ở bố mẹ, hay xin tiền bà đi mua đồ chơi.

Nhiều đứa trẻ khác ở các làng vạn đò ở Thanh Hoá cũng vậy. Dù nghèo khó, chúng vẫn mơ ước được lên bờ, được tiếp tục đi học và được chia vài miếng bánh Trung thu cùng các bạn trên bờ như mọi năm. Khi thấy các nhà báo đến thăm và mua cho đèn lồng, chúng vui lắm, cứ khoe nhau mãi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sinh, cán bộ Văn hóa phường Đông Thọ (TP. Thanh Hoá) cho hay: "Với các cháu thuộc diện con em đồng bào sinh sống trên sông, chúng tôi đã lập danh sách, làm tờ trình lên cấp trên để xin kinh phí mùa quà cho các cháu. Dự kiến, mỗi suất quà trị giá khoảng 30.000 đồng".

Mơ đủ ăn và không bị bắt cóc

Mẹ nói có thể bới được những cái đèn lồng Trung thu trong rác cho cu út chơi. Nhưng từ sáng tới giờ, em chẳng thấy cái nào...

Em Nguyễn Thị Lan, 12 tuổi (Nha Trang, Khánh Hoà)

Với nhiều trẻ em nghèo vùng cao, Trung thu là cái gì đó quá xa vời. Trong một chuyến công tác mấy năm trước lên xã Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó bí thư Đảng uỷ xã Thượng Phùng tâm sự, xã này rất nghèo và có 300 cháu nhỏ thuộc lứa tuổi học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây cũng là điểm nóng của nạn buôn bán trẻ em. Ước mơ của họ đơn giản là mỗi ngày 1 bữa mèn mén (ngô bột hấp), trẻ con muốn học cái chữ thì có đã cô giáo phải về tận bản dạy, người già bị ốm thì đã có bộ đội đến tận nhà khám, chữa... Người dân nghèo ngoài lo cái ăn, còn phải lo canh giữ con, cháu mình để khỏi bị bọn bắt trộm bán sang bên kia biên giới...

Một cái Tết trung thu như trẻ miền xuôi là điều mơ ước, nhưng mơ ước lớn hơn của cả trẻ con và người lớn nơi đây là được giúp đỡ để xoá đói giảm nghèo và có thêm những bữa ăn giàu chất dinh dưỡng hơn mỗi ngày.