“Cậu có ở nhà không?”. Đã lâu lắm rồi không gặp, ông Long hỏi tôi bằng giọng vồn vã. Tôi vừa trả lời “có” thì điện thoại tắt phụt. Chưa đầy 10 phút sau, ông Long đã bấm chuông. Sống ở đô thị, chẳng mấy khi đến tận cửa thăm viếng nhau, nên tôi mơ hồ đoán ra có chuyện gì rất hệ trọng đang chất chứa trong lòng ông Long
Một nửa đánh rơi từ... kiếp trước
“Tớ không muốn về với vợ nữa, cậu ạ!”. Tôi gật gật ra vẻ đồng tình. Đàn ông tuổi 50, thỉnh thoảng kêu lên chán vợ cũng bình thường thôi. Thế nhưng, hút vừa hết điếu thuốc, ông Long bảo: “Cho tớ ngủ lại đây một đêm nhé!” thì tôi mới bắt đầu thấy sự việc đã hơi nghiêm trọng. Chén đĩa còn khua khi đặt chung một chỗ, huống hồ quan hệ vợ chồng.
Tuy nhiên, chút u uẩn trên đôi mắt ông Long trực tiếp khẳng định không phải chuyện cãi vã đơn giản nơi mái ấm của ông. Thấy tôi lưỡng lự, ông Long thẳng thừng: “Đám bạn bè, chỉ còn cậu độc thân, tớ mới nhờ cậy. Nếu bất tiện, tớ ra khách sạn ngủ!”. Tôi vội đỡ lời: “Không, anh cứ qua giấc ở đây!”.
Trời khuya dần, ông Long vẫn không ngủ. Ông ngồi giữa bóng tối mênh mang và liên tục đốt thuốc. Đốm lửa lập lòe từ điếu thuốc trên môi người bạn vong niên khiến tôi cũng sốt ruột. Tôi bật khỏi giường, pha ấm trà mới.
Như tìm được nguồn đồng cảm, ông Long chậm rãi kể, một câu chuyện tưởng chừng vu vơ nhưng ẩn giấu một bí mật khó chia sẻ của một người đàn ông xưa nay vẫn được tiếng chỉn chu và nghiêm túc. Nhìn thẳng về phía tôi, ông Long nhấn mạnh từng chữ: “Tớ-đang-yêu!”. Tôi khá bất ngờ, nhưng cố gắng không để lộ bất kỳ cử động nào mang tính khiếm nhã, vì biết đang ngồi trước một tâm tư đáng được chia sẻ thật đàng hoàng.
Ông Long lập gia đình rất sớm. Vừa tốt nghiệp đại học, ông cưới vợ ngay. Hai đứa con lần lượt ra đời, đủ trai đủ gái, khiến ước nguyện lứa đôi trở nên viên mãn. Xuất thân từ nông thôn, vợ của ông Long được nết chăm chỉ. Chồng miệt mài làm lụng, vợ biết cách vun vén, chẳng bao lâu kinh tế ổn định dần và thịnh vượng lên.
Hôm vợ chồng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày cưới, đồng thời tiễn đứa con thứ hai đi du học nước ngoài, tôi và nhiều người đều không giấu được sự ngưỡng mộ. Thế nhưng, cũng chính cái bữa tiệc náo nức ấy, ông Long đã gặp cô Hà - cháu của một người bạn dắt theo cho xôm tụ. Hà 40 tuổi, tình duyên dang dở, chỉ chuyên tâm nghiên cứu khoa học.
Thiên hạ vẫn truyền tụng về những mối tình sét đánh. Xưa nay tôi không tin và ông Long cũng không tin. Vậy mà, chỉ vài câu chào xã giao ngắn ngủi khiến ông Long và cô Hà bỗng dưng choáng váng. “Tớ có cảm giác Hà như là một nửa mà tớ đánh rơi từ kiếp trước!”, ông Long buông một tiếng thở dài.
Có nhà nhưng không muốn về
Tôi không xa lạ gì cô Hà. Đó là một người phụ nữ có dung mạo không phải xuất sắc lắm, nhưng tính tình hòa nhã và vui vẻ. Hình như chị vừa lấy học vị tiến sĩ năm ngoái. Tôi thắc mắc: “Anh yêu cô Hà vì trẻ đẹp hơn vợ anh à?”. Ông Long khoát tay: “Cậu vớ vẩn. Chơi với nhau cả chục năm, cậu thừa biết, tớ không mê rượu cũng không mê sắc.
Chính tớ cũng không cắt nghĩa được vì sao tớ yêu Hà!”. Dĩ nhiên, nếu rạch ròi như một cộng một bằng hai, thì đâu còn giá trị mũi tên vàng đột ngột bắn vào cõi nhân gian của vị thần tình ái. Chỉ sau ba cuộc gặp, ông Long không kìm nén được, đã ngỏ lời yêu nồng cháy. Điều tương hợp thú vị, cô Hà lập tức đồng ý.
Mỗi ngày họ hẹn hò nhau buổi trưa, hai giờ đồng hồ tích tắc giữa nắng phương Nam chói gắt lại tắm mát tâm hồn cả hai. Cứ thế, từng tuần trôi qua, từng tháng trôi qua, khi mọi niềm vui và nỗi buồn của họ đều có thể san sẻ, thì… vợ ông Long phát hiện. Ớt nào mà ớt chả cay, người đàn bà quê mùa chỉ quẩn quanh góc bếp chợt bừng lên những sự đanh đá tiềm ẩn. Ông Long gồng mình gánh hết mọi sỉ vả và đay nghiến.
Căn biệt thự có giàn hoa tím lộng lẫy cuối con phố vắng vẻ luôn khiến ông Long tự hào về sự thành đạt, đến lúc này sao giống như nơi đọa đày khủng khiếp. Chưa bao giờ ông Long sợ tan sở như bây giờ. Mỗi lần nhìn đồng nghiệp hớn hở thu xếp công việc cuối ngày để trở về sum họp bữa cơm bên người thân, ông bất giác nghe ớn lạnh.
Không thể nào níu kéo cấp dưới ở lại làm thêm hoặc ở lại trò chuyện với mình cho qua khỏi hoàng hôn ám ảnh, ông Long lái xe lang thang ngoài đường. Ông không muốn vào thăm ai, nhưng ông lái xe dạo qua những nơi quen biết hoặc sơ giao. Ông thèm được nghe một tiếng gọi tên mình, dù chỉ để mời nhau một ly nước nguội hoặc một ly bia rẻ tiền, trước lúc bóng đêm sầm sập đổ xuống bơ vơ và khốn quẫn.
Hạnh phúc bẽ bàng
Ông Long nhìn tôi, một cái nhìn khẩn khoản và tự thú: “Cậu biết không, tớ cứ mong kẹt xe liên tục trên đoạn đường từ cơ quan về nhà, để khuya thật khuya mới đặt chân đến ngõ!”. Vợ của ông Long không được học hành nhiều, nên cách đay nghiến cũng thật nặng nề. Đôi khi ông Long chết sững vì những câu phỉ báng thô tục của vợ.
Ông không trách, vì ông nhận lỗi ở phía mình. Thế nhưng, ông là một trí thức, ông không thể chịu đựng được kiểu chửi “đồ khốn nạn” hay “đồ rửng mỡ” từ người vợ bao năm đầu ấp tay gối. Nhất là hai đứa con đang du học bên Tây, trong nhà chỉ có hai vợ chồng và người giúp việc, chẳng có thêm một sự can gián hay sự khuyên nhủ nào có thể giảm bớt không khí ngột ngạt.
Nhiều đêm ông Long chui vào phòng riêng, đóng chặt cửa lại và chỉ mong thiếp đi mãi mãi. “Tớ đã từng nghĩ đến cái chết, để kết thúc sự oan nghiệt này. Cậu có tin không?”. Tất nhiên, tôi tin ông Long. Và tôi tin cả những đổ vỡ và dằn vặt đang chực đốn quỵ ông hiện nay.
Bi kịch của ông Long là bi kịch của một cuộc tao ngộ muộn màng, bi kịch của một thứ hạnh phúc bẽ bàng. Ông Long không muốn người đàn bà mình đang yêu là cô Hà bị tổn thương, và ông càng không muốn hai đứa con của mình phải oán hận một người cha thay lòng đổi dạ. Bà vợ của ông Long đã viết lá đơn ly hôn để sẵn trên bàn, và gọi ông Long về giải quyết rốt ráo.
Sau khi lái xe chạy vòng quanh khắp thành phố mà không biết đi đâu, ông Long đành chọn căn hộ nhỏ bé của tôi để ẩn nấp cho qua một đêm định mệnh của đời mình. Thú thật, tôi không biết phải nói gì với ông Long. Mọi sự đúng sai ở đây đều như một làn ranh mỏng manh.
Tôi muốn điều tốt đẹp đến với ông, nhưng không thể giúp ông đưa ra bất kỳ chọn lựa nào cho khôn ngoan và đúng đắn. Ông Long phải một mình đối diện hệ lụy đầy thử thách. Ngày mai trời lại sáng. Ngày mai sẽ là một ngày khác. Còn đêm nay, tôi âm thầm động viên ông Long bằng cách im lặng chìm vào tiếng hát khe khẽ giữa canh khuya: Anh ước gì, mình gặp nhau lúc anh chưa ràng buộc, và em chưa thuộc về ai...