Chưa hết nghi vấn về Platini
Cách đây hơn 5 năm, chính xác là vào ngày 18.4.2007, tại Cardiff (xứ Wales), chỉ 3 tháng sau khi đắc cử chức Chủ tịch UEFA, ông Michel Platini đã tuyến bố liên danh Ba Lan- Ukraina giành chiến thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai EURO 2012 với tỉ lệ phiếu 8-4 trong “trận chung kết” với Italia.
Bạo lực xảy ra như cơm bữa khiến EURO 2012 kém hoàn hảo. |
Dù 12 phiếu này do các quan chức trong Ban thường vụ UEFA bỏ, nhưng đa số ý kiến khi ấy cho rằng, công lớn nhất trong việc đưa vòng chung kết EURO tới Đông Âu lần đầu tiên thuộc về Platini, người đã giữ chữ tín khi các quốc gia ở khu vực này đã bỏ phiếu để ông vượt qua đối thủ đầy uy tín Lennart Johansson.
Nhưng cũng chính Platini, vào đầu năm 2010 đã khẳng định: “Để Ba Lan và Ukraina đồng đăng cai EURO 2012 là quyết định mạo hiểm” khi cho biết, 2 quốc gia này đều không có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện lớn và công tác chuẩn bị của họ diễn ra rất chậm chạp.
Không những vậy, đến tháng 10.2010, ông Spyros Marangos - cựu quan chức bóng đá Síp đã cáo buộc 5 quan chức UEFA đã nhận hối lộ của Ba Lan và Ukraina với tổng cộng 11 triệu euro để bỏ phiếu cho họ. Bên cạnh đó, dù nhiều người Ba Lan cho rằng huyền thoại bóng đá Zbigniew Boniek mới là người có công lớn nhất mang EURO 2012 tới đất nước của họ nhờ khả năng vận động hành lang, nhưng công lớn của Boniek (nếu có) vẫn liên quan đến Platini khi hai người này có mối quan hệ rất thân thiết từ khi cùng là cầu thủ của Juventus.
Như vậy, có thể khẳng định, Platini đã có ảnh hưởng rất lớn để EURO 2012 diễn ra tại Ba Lan- Ukraina dù khả năng tổ chức của hai quốc gia này không thực sự hoàn hảo như Italia - quốc gia có thừa kinh nghiệm tổ chức những sự kiện thể thao lớn.
Vết nhơ bạo lực
Đến khi vòng chung kết EURO 2012 chính thức khởi tranh, nỗi lo lớn nhất của Platini và các cộng sự hóa ra lại không phải là cơ sở hạ tầng. Có lẽ, trong lịch sử, chưa có kỳ EURO nào mà ban tổ chức lại khổ sở vì nạn bạo lực, phân biệt chủng tộc như ở EURO 2012. Ở Ba Lan, ngay ngày khai hội, các cổ động viên đã đánh nhau chí tử, còn trên sân tập, những cầu thủ da màu của Hà Lan, Italia bị những kẻ quá khích phân biệt chủng tộc khiến họ phát khùng và dọa sẽ bỏ giải.
Những ngày sau, bạo lực tiếp tục leo thang với màn quậy phá của các cổ động viên Nga, Ba Lan, Croatia, cả ngoài đường phố lẫn trên sân bóng khiến cảnh sát mỏi tay dẹp loạn, còn hậu vệ Selassie của Cộng hòa Czech thì bị phân biệt chủng tộc. Những án phạt liên tiếp được đưa ra: Nga bị phạt nặng nhất với 120.000 euro cùng 6 điểm bị trừ ở vòng loại EURO 2016, Croatia, Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha… cũng nhận hàng loạt án phạt tiền với đủ loại vi phạm khác nhau.
Trước hàng loạt biến cố ấy, Platini không thể khoanh tay. Ngoài các án phạt, ông còn tuyên bố: Trọng tài có thể dừng trận đấu giữa chừng nếu có ẩu đả hoặc phân biệt chủng tộc quá mức trên khán đài. Nói mạnh vậy chứ chắc chắn Platini lo ngay ngáy khi mọi việc có vẻ như vượt tầm kiểm soát của ông lẫn UEFA. Sự việc chỉ lắng xuống khi những đội có nhiều cổ động viên quá khích bị loại.
Chẳng hiểu có phải do đau đầu vì lo nghĩ nhiều quá hay không, đến vòng bán kết, Platini lại mắc vạ miệng khi khẳng định, “Tây Ban Nha - Đức là trận chung kết trong mơ” khiến những người Bồ Đào Nha và Italia không giấu được sự bực dọc vì nghi ngờ ngài chủ tịch thiên vị.
Đức Hiếu