Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012-2015 và đến 2020 đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Bà Tống Thị Song Hương cho biết:
Đến hết năm 2011, đã có tới 63,7% người dân tham gia BHYT. Trong số này có đến khoảng 14 triệu người nghèo và dân tộc thiểu số, khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng chính sách xã hội khác được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí và chỉ phải đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh (KCB).
Bộ Y tế cũng đang từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở nên nhiều địa phương người bệnh có thể đăng ký khám bệnh có thẻ BHYT từ tuyến xã.
Việc chậm trễ cấp thẻ BHYT khiến quyền lợi của nhiều trẻ em bị ảnh hưởng (ảnh minh họa). |
Có một thực trạng, người có tiền thì không muốn khám BHYT, người không có tiền mà có nhu cầu khám lại không mua thẻ BHYT. Theo bà, nguyên nhân là do đâu?
- Chúng tôi đã phân tích, sắp xếp thành các nhóm đối tượng cụ thể, bao gồm nhóm tự nguyện (nông dân, lao động làng nghề) vẫn còn 74% chưa tham gia, nhóm người lao động trong doanh nghiệp còn 49% chưa tham gia, nhóm cận nghèo còn 75%, nhóm bắt buộc tham gia BHYT nhưng chưa tham gia đầy đủ là nhóm học sinh - sinh viên và trẻ dưới 6 tuổi vẫn còn khoảng 20% chưa tham gia.
Mỗi nhóm đều có nguyên nhân cụ thể, như doanh nghiệp trốn đóng BHYT, người lao động chưa biết quyền của mình về BHYT, việc vận động học sinh - sinh viên tham gia BHYT chưa sát sao, việc lập danh sách cho trẻ dưới 6 tuổi chậm trễ.
Người nông dân chưa ý thức được quyền lợi của mình nên không tham gia hoặc đợi đến khi có bệnh mới tham gia. Người cận nghèo cũng không hơn người nghèo là mấy nên cho dù đã được hỗ trợ từ 50-70% phí thẻ BHYT nhưng họ vẫn không có tiền tham gia…
Vẫn còn khoảng 20% trẻ em dưới 6 tuổi (gần 2 triệu em) chưa được cấp thẻ BHYT. Nguyên nhân do đâu và cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho các em?
- Phải khẳng định ngay là các em chưa có thẻ BHYT nhưng vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi khám bệnh miễn phí nếu có đủ giấy khai sinh chứng minh các em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân chậm trễ là do sự phối hợp giữa Sở LĐTBXH và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) chưa được chặt chẽ, trẻ mới sinh lại do UBND phường xã kê khai nên xảy ra tình trạng danh sách làm thẻ chưa đầy đủ.
Thậm chí ở nhiều địa phương, trẻ dưới 3 tháng tuổi vẫn chưa được khai sinh, lại không sống ở nơi thường trú. Vì thế, việc cấp thẻ BHYT cho các em chậm hoặc không được làm thẻ… Thời gian tới, chúng tôi cũng đề xuất với BHYT làm tốt công tác phối hợp với các UBND phường, xã để nắm đầy đủ thông tin, danh sách về trẻ dưới 6 tuổi.
Dư luận đang bức xúc việc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định không cấp thẻ BHYT đối với trẻ tạm trú. Ý kiến của bà về việc này?
- Ngay khi có thông tin đó, Vụ BHYT đã phối hợp với BHXH tìm hiểu. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH TP.Hồ Chí Minh dừng ngay việc đó, đồng thời rút kinh nghiệm để việc này không lặp lại ở các địa phương khác. Trong luật cũng đã quy định, chỉ cần có đăng ký tạm trú là bố mẹ có thể đăng ký cấp thẻ BHYT cho con của mình ở tại phường sở tại.
- Thời gian qua Bộ Y tế đã đề ra một loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB cho người có thẻ BHYT như cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh, nâng cao y đức, giảm quá tải bệnh viện… Đồng thời, đầu tư, nâng cấp các cơ sở KCB tuyến dưới, phân tuyến kỹ thuật rõ ràng…
Đề án Bảo hiểm y tế toàn dân đang chờ được Chính phủ phê duyệt. Thưa bà, đề án nhằm vào các mục tiêu nào?
- Trên cơ sở đánh giá thực trạng và các nguyên nhân khiến cho BHYT chưa thể lan tỏa trong người dân, chúng tôi đã vạch ra các biện pháp thích ứng đối với từng nhóm cụ thể. Năm 2010, nhóm học sinh-sinh viên đã phải bắt buộc tham gia BHYT.
Cuối năm 2012, đối tượng các hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp phải tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc. Và đến 2014, sẽ huy động tất cả các nhóm bắt buộc tham gia BHYT.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2015 đạt trên 75% dân số tham gia BHYT, năm 2020 là 85%, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Cụ thể người cận nghèo sẽ tham gia 50% vào năm 2015; 79% vào năm 2020, học sinh - sinh viên tham gia 100% năm 2015, hộ gia đình nông dân có mức sống trung bình sẽ tham gia BHYT đạt 40% năm 2015, 65% năm 2020, lao động trong doanh nghiệp đạt 75% năm 2015, 90% năm 2020.
Việc Thủ tướng vừa ký quyết định nâng mức hỗ trợ phí thẻ BHYT từ 50 lên 70% đối với các đối tượng cận nghèo có phải để hiện thực hóa dần các mục tiêu như dự thảo đề ra?
- Việc hỗ trợ 70% phí mua thẻ đối với các hộ nghèo đã được các tỉnh thực hiện từ đầu năm. Nhưng quyết định của Thủ tướng là một quyết tâm của Chính phủ để Bộ Y tế thực hiện Đề án BHYT toàn dân.
Một số địa phương tùy vào tình hình ngân sách còn hỗ trợ người nghèo đến 85-90%. Như vậy gần 6 triệu người cận nghèo sẽ có cơ hội tiếp cận với BHYT, đảm bảo quyền lợi của họ.
Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng này, cần phải tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền lợi khi tham gia BHYT để họ chủ động tham gia BHYT chứ không phải chờ đến lúc ốm nặng mới đi mua thẻ.
Bộ Y tế cũng đang đề xuất sẽ chủ động mua thẻ cho tất cả người cận nghèo, đến khi họ đi KCB, chỉ cần nộp thêm 30% mệnh giá của thẻ là có thể khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT được ngay.
Nhưng thực tế là người dân vẫn chưa hài lòng với chất lượng KCB ở các cơ sở y tế ban đầu nên họ không thích tham gia BHYT...
- Việc đăng ký KCB có BHYT tại các cơ sở y tế từ tuyến xã, phường trở lên là nhằm sàng lọc, phân loại bệnh. Nếu chỉ là viêm mũi, cảm cúm thì trạm y tế xã, phường thừa sức xử lý. Còn các ca bệnh nặng hơn thì mới chuyển lên tuyến huyện, tuyến tỉnh, hay trung ương.
Việc phân loại như vậy cũng là biện pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm mô hình: Người có thẻ BHYT muốn vượt tuyến thì phải đồng chi trả từ 30-50% viện phí (thay vì 20% nếu như khám đúng tuyến).
Diệu Linh (thực hiện)