Lệ Chi là xã ngoại thành có dân số đông, người dân chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của xã bị thu hẹp để nhường chỗ cho những khu đô thị, khu công nghiệp, trong khi đó lao động làm nghề nông vẫn chiếm trên 60% dân số và trình độ tay nghề cũng như văn hóa hạn chế nên rất khó khăn để tìm kiếm việc làm.
Nhiều hộ ở Lệ Chi đã tự tin mở rộng quy mô đàn lợn nuôi. |
Học nghề tại trang trại
Sau khi khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở Lệ Chi, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm - Hội ND TP.Hà Nội mở 2 lớp dạy nghề cho ND Lệ Chi là trồng lúa chất lượng cao và chăn nuôi.
Mỗi lớp có 32 học viên, thời gian học 3 tháng. Học viên được đào tạo nghề miễn phí, những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, thương bệnh binh... mỗi ngày còn được hỗ trợ thêm 15.000 đồng.
Học viên được các giảng viên của Trường Đại Học Nông nghiệp I trực tiếp truyền đạt về lý thuyết kết hợp với thực hành trên đàn gia súc, gia cầm, cách phòng chống và điều trị ngay tại trang trại chăn nuôi của mình, kỹ thuật chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao...
Chị Nguyễn Thị Nhung (thôn Gia Lâm) cho biết, tham gia lớp học, chị được tiếp cận một cách hệ thống kiến thức chăn nuôi. Kết thúc lớp học, gia đình chị đã quyết định đầu tư lập trang trại nuôi lợn. Hiện nay, trang trại của gia đình chị có gần 200 đầu lợn, ước tính cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Vân - hội viên Chi hội ND thôn Gia Lâm cho biết: “Tôi cũng như nhiều gia đình trong thôn sau khi tiếp thu kiến thức từ lớp học nghề, đã ứng dụng thành công trong sản xuất của gia đình. Nhiều trang trại đã trở thành mô hình trình diễn cho ND trong xã và các địa phương khác đến tham quan, học hỏi”.
Nhận xét về hiệu quả của công tác dạy nghề cho ND thời gian qua, bà Nguyễn Thị Tư - Chủ tịch Hội ND xã Lệ Chi cho biết: Tham gia các lớp học nghề, điều ND hài lòng nhất là được tiếp thu bài bản kiến thức nên áp dụng vào chăn nuôi của gia đình rất hiệu quả. Sau khi học nghề, nhiều hộ đã tự tin hơn mở rộng quy mô sản xuất.
Mong thời gian học dài hơn
Theo bà Tư, khó khăn nhất của những hộ chăn nuôi hiện nay là thiếu vốn đầu tư, nếu vay được vốn của các tổ chức tín dụng thì số tiền không nhiều. Còn theo chị Nguyễn Thị Vân, việc tiêu thụ sản phẩm cũng là trở ngại lớn của người chăn nuôi bởi phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và thường bị thương lái ép giá.
Chị Vân và các học viên khác vừa tham gia 2 khóa học đều cho rằng, thời gian mỗi khóa học 3 tháng là rất ít, trong khi nhu cầu tiếp nhận kiến thức, thông tin của bà con là rất lớn. Họ mong muốn Hội ND mở nhiều lớp dạy nghề để ND có kiến thức, để tự tin đầu tư sản xuất kinh doanh, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Đình Hưng