Dân Việt

Vun gốc để đảm bảo dinh dưỡng cho cây khóm

03/07/2012 07:23 GMT+7
(Dân Việt) - Do khóm có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, thoát nước tốt.

Khóm (dứa) là loại cây ăn trái tương đối dễ tính có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Mỗi vùng đất có chế độ canh tác khác nhau.

Ở ĐBSCL, khóm được trồng trên líp nhằm mục đích nâng cao tầng canh tác tránh ngập úng. Trong những vùng đất có tầng sinh phèn nằm gần lớp mặt thì áp dụng cách lên líp theo băng lớp đất sâu ốp hai bên líp. Qua năm thứ hai, phèn được rửa thì trồng thêm. Nếu trồng lại trên đất trồng khóm mùa trước thì có thể cày nát thân lá khóm rồi bón vôi nhằm cung cấp thêm phân hữu cơ cho đất. Bón lót trước khi trồng 1 – 2 ngày phân N:P:K theo tỷ lệ 2/4 : 1/4 : 1/4.

img
Trồng khóm tốt nhất là vào mùa mưa.

Khi chọn giống phải chọn từ những cây bố mẹ sạch bệnh (nên là giống nuôi cấy mô). Cây mẹ cho trái hình trụ có một chồi thẳng đứng, ít chồi cuốn (3 chồi). Chồi đem trồng phải mập khỏe xanh đậm, phiến lá rộng dài, không sâu bệnh, chiều dài chồi tối thiểu 20cm. Để phòng ngừa rệp sáp gây bệnh héo khô đầu lá, cần được xử lý chồi trong dung dịch Basudin 25 EC (nồng độ 0,2%) trong 30 phút, sau đó vớt ra để 24 giờ sau đem đi trồng. Hoặc nhúng chồi trong dung dịch Ridomil nồng độ 0,2% để ngừa bệnh thối gốc ở cây con.

Thời vụ trồng: Ở miền Nam trồng tốt vào mùa mưa và dễ dàng trong việc tìm mua cây giống cũng như dự tính thời điểm thích hợp cho cây ra hoa. Mật độ trồng tùy theo từng giống và mục đích trồng (ăn tươi, đóng hộp) mà có cách bố trí khoảng cách trồng khác nhau.

Đối với giống Queen, khoảng cách trồng cây cách cây 30 – 40cm, hàng cách hàng là 40 – 60cm, khoảng cách giữa hai hàng kép là 60 - 90cm. Đối với giống Cayenne thì các khoảng cách này là 40 – 60cm, 60 – 80cm và 90 – 120cm.

Có thể trồng thật dày và thâm canh cao trong một vụ rồi tiến hành trồng vụ mới. Biện pháp này còn giúp hạn chế được bệnh héo khô đầu lá thường thấy ở vụ thứ hai trở đi. Sau khi trồng 15 – 20 ngày tiến hành trồng giặm các cây bị chết.

Mỗi năm cần làm cỏ 3 – 4 lần. Lần làm cỏ cuối cùng kết hợp với xới đất vun gốc. Việc vun gốc từ năm thứ 2 trở đi rất quan trọng vì các cây ở đời thứ 2 thường mọc cao nên ít tiếp xúc với đất, do đó dễ bị thiếu nước, thiếu dinh dưỡng.

(còn tiếp)