Nâng cao trách nhiệm của giám thị
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH là hơn 1,3 triệu bộ, trong đó số hồ sơ khối A, A1 và V chiếm hơn 50% lượng hồ sơ. Như vậy, ngày mai (4.7) sẽ có gần 800.000 thí sinh bước vào đợt 1. Lịch thi cụ thể: Sáng 4.7 khối A, A1 thi toán, chiều thi lý; Ngày 5.7: sáng khối A thi hoá, khối A1 thi tiếng Anh.
Thí sinh làm thủ tục nhận phòng thi tại Trường Đại học Tây Bắc. |
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong các ngày diễn ra kỳ thi Bộ sẽ phối hợp với các trường ĐH làm tốt công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt, sẽ có cả thanh tra của hội đồng thi và của Bộ làm việc theo phương thức thanh tra đột xuất không thông báo trước thời gian và địa điểm. Thứ trưởng cũng lưu ý các thí sinh (TS) cần xem xét, đối chiếu các mục dễ có sai sót trong giấy báo dự thi như: Tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, đối tượng dự thi... để kịp thời sửa chữa ngay trong ngày 3.7.
Để đảm bảo về “chất” cho lực lượng giám thị năm nay, nhiều trường ĐH đã làm công tác “thanh lọc” đội ngũ cán bộ coi thi. Bà Lê Thị Thu Thuỷ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Để tăng cường kỷ luật phòng thi, năm nay hơn 700 giám thị coi thi được điều động, hầu hết là giảng viên và cán bộ biên chế. Trường không điều động sinh viên năm cuối coi thi như trước”.
Sau vụ tiêu cực “đình đám” tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ GDĐT đã bổ sung vào quy chế tuyển sinh nội dung khuyến khích TS và giám thị tố cáo tiêu cực. Để làm rõ quy định này, Bộ đã có công văn giải thích về các dụng cụ được mang và không được mang vào phòng thi.
Cụ thể, TS không được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh và thiết bị mà người sử dụng có thể nghe được âm thanh, xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ hoặc có thể truyền thông tin ra ngoài phòng thi. TS được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, nhưng không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Ông Nguyễn Quang Dong - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Trường đã tập huấn cho cán bộ coi thi cách nhận diện thiết bị gian lận công nghệ cao mà TS có thể sử dụng trong phòng thi”. Theo ông Dong, quan trọng nhất là nâng cao sự nghiêm túc của giám thị, nếu giám thị nghiêm thì TS sẽ không thể gian lận được.
Đề thi không đánh đố
Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, đề thi ĐH, CĐ năm 2012 phải đạt được các yêu cầu kiểm tra được kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng kỹ năng và thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đặc biệt, đề thi không được phép sai sót trong nội dung, không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học, những phần thuộc chương trình giảm tải. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Đề thi sẽ không quá dài, không quá khó và không đánh đố TS, nhưng có tính chất phân loại”.
Năm nay Bộ cho phép các trường xét tuyển không giới hạn nên TS sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển nếu đạt trên điểm sàn. Vì vậy, khi làm bài thi, TS nên thận trọng lựa chọn những dễ đề làm trước, sau đó mới đến câu quá khó để tránh bị “phủ đầu” tâm lý trong khi làm bài thi.
Gợi ý giải đề thi Đại học: Đón đọc trên Dân Việt
Báo điện tử Dân Việt sẽ đăng tải gợi ý giải đề ngay sau thời điểm kết thúc từng môn thi. Thí sinh, phụ huynh có thể theo dõi gợi ý giải đề thi đăng trên báo điện tử Dân Việt tại địa chỉ www.danviet.vn.
Tham gia giải đề là những giảng viên, giáo viên kinh nghiệm, nhiều năm giảng dạy tại các trường ĐH,CĐ và THPT, với sự phối hợp của trung tâm Học Mãi (hocmai.vn).
Tùng Anh