Năng suất lúa vụ đông xuân đạt 7,7 - 8 tấn/ha, giá thành sản xuất dao động 2.558 - 3.166 đồng/kg lúa, thấp hơn 423 - 466 đồng/kg so với lúa trồng ngoài mô hình. Nhờ đó đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 4,8 - 5,3 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, CĐML chỉ dừng lại ở việc ứng dụng đồng bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng mà chưa chú trọng đến việc tập huấn năng lực quản lý cho người nông dân. Do vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên nền mô hình CĐML là phương pháp tối ưu giải quyết bất cập này bởi nó không chỉ nâng cao chất lượng đầu ra mà còn bảo đảm an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Trên những cơ sở đó, UBND TP Cần Thơ đã tiến thêm một bước, phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình CĐML theo hướng VietGAP” (gọi tắt là Đề án) với quy mô 400ha, gồm 206 nông hộ của ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh tham gia.
Đề án được thực hiện trong 3 vụ: Đông xuân 2011 - 2012, hè thu 2012 và đông xuân 2012 - 2013. Mục tiêu của đề án là hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn gắn kết sản xuất với tiêu thụ thông qua mối liên kết 4 nhà. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa nhằm giảm giá thành, khai thác tối đa tiềm năng năng suất, nâng cao chất lượng hạt lúa, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu...
Hình thành CĐML theo hướng VietGAP, giai đoạn đầu, UBND TP. Cần Thơ và ngành nông nghiệp thành phố sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, trạm bơm điện hoàn chỉnh. Đồng thời, tiến hành khảo sát, tập huấn, hội thảo và hình thành mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy phục vụ sản xuất nhằm hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch...
Mặc dù vậy, cho đến nay, sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nên nhiều nông dân còn hoang mang. Tuy nhiên, bà Kiều cho rằng TP.Cần Thơ chỉ mới trong giai đoạn sản xuất lúa “theo hướng VietGAP”, quá trình đi đến công nhận sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng đây là con đường, hướng đi đúng để xây dựng thương hiệu, tạo thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới, qua đó giải quyết rốt ráo bài toán nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Mỹ Thanh