Bỏ ruộng, đi đào núi
Những ngày qua, dù trời nắng nóng cháy da, rát thịt, nhưng nhiều người dân thị xã Hồng Lĩnh vẫn tay cuốc, tay xẻng dắt nhau lên núi Hồng tìm kiếm “cây bách bệnh” (còn gọi là cây mật gấu, mật nhân...).
Một số người cho phóng viên biết, cây này chữa được nhiều bệnh như gan, xương khớp, là “thần dược” giúp “ông uống bà khen”. Lợi nhuận từ việc bán loại cây này khá cao nên nhiều người bỏ việc đồng áng để lên rừng săn tìm.
Rễ, thân và lá cây bách bệnh. |
Để tìm hiểu sự tình, chúng tôi đã tìm đến nơi được cho là nguồn gốc của tin đồn - phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Sau một lúc hỏi han, chúng tôi tìm được nhà anh Thành, là một trong những người đầu tiên đi đào cây mật nhân về bán. Anh cho biết:
“Trước đây, tôi cũng không biết cây này. Mấy tháng trước, ông Hợi ở cạnh nhà sang nói chuyện và chỉ cho tôi biết cây bách bệnh, rồi nhờ tôi đi đào về để ông mua lại. Đây là loại cây mà hồi nhỏ đi chăn trâu trên núi tôi từng thấy.
Theo lời anh Thành, giá mật nhân ban đầu chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, nhưng sau đó giá tăng lên 200.000 đồng, đỉnh điểm là 500.000 đồng/kg, bởi người ta đồn thổi “mật nhân giúp cường dương như Viagra”(!).
“Giờ thì giá loại cây này chỉ còn 50.000 đồng/kg. Lý do của việc giảm giá chóng mặt này là do chỉ có người dân Hồng Lĩnh và một số người sành thuốc quý mới biết giá trị của nó nên bị ép giá. Nếu tác dụng của nó được công khai và tung ra rộng rãi hơn, giá lại tăng vùn vụt” - anh Thành quả quyết.
Bà Vui - một trong những “đầu nậu” chuyên buôn cây bách bệnh ở thị xã Hồng Lĩnh cũng xác nhận: Giờ thì chỉ 50.000 đồng/kg, chứ trước đây 1 kg rễ cây bách bệnh lúc cao điểm có giá 300.000 – 500.000 đồng mà cũng không có để bán. Có những lúc khách Hà Nội về nằm chờ cả tuần cũng chỉ mua được vài chục kg thôi.
“Cây này là loại thảo dược quý, chữa được nhiều bệnh lắm, từ xương khớp đến tăng cường sinh lực cho nam giới, chữa hiếm muộn con... Tôi nghe nói bên Nga hay ở Malaysia, mật nhân có giá 3 – 4 triệu đồng/kg. Chú muốn mua thì phải chờ xem chiều nay người ta đi về có đào được hay không. Nếu không chờ được thì để lại số điện thoại, hôm sau có, tôi gọi ra mà mua” - bà Vui nói với phóng viên.
Bà Vui, anh Thành chỉ chuyên thu mua mật nhân rồi bán lại cho một số đầu mối khác, chứ cũng chẳng biết họ sẽ chuyển số dược liệu này đi tiêu thụ ở đâu.
Theo chân “thợ săn”
Theo người dân, ban đầu chỉ có những người ở phường Đức Thuận biết tác dụng của cây mật nhân nên việc khai thác khá dễ dàng. Chỉ một thời gian ngắn, dù không có ai kiểm chứng, nhưng tin đồn về tác dụng của loại cây này vẫn lan xa, người dân các phường ở thị xã Hồng Lĩnh đua nhau kéo lên rừng săn lùng mật nhân.
Ông Nguyễn Hữu Cầu (phường Đức Thuận) cho hay: “Cách đây 2 tháng, thấy người ta kháo nhau là cây mật nhân chữa được bách bệnh nên nhiều người ở phường tay cuốc, tay xẻng kéo nhau đi đào.
Có nhiều người đào được cả tạ một ngày, nhưng cũng có người về tay không. Chúng tôi chưa nghe cơ quan chuyên môn nào nói về tác dụng của loại cây này, nhưng nghe nhiều người đã dùng nói lại chữa được bệnh nên tôi mua 1kg về ngâm rượu uống.
Ông Nguyễn Hữu Cầu
Theo chân anh Thành lên núi Hồng để săn “thần dược”, phóng viên NTNN chưa tìm được cây nào nhưng đã thấy cảnh ven núi Hồng đã bị đào xới tung tóe đất đá. Với nhiều hố nham nhở, núi Hồng xanh đẹp ngày nào giờ như bãi chiến trường.
Nhiều người dân sau khi phá núi, khoét rừng để tìm cây “thần dược” đã bỏ lại cảnh tan hoang sau lưng để đi tìm vùng đất mới, tiếp tục đào phá.
Theo anh Thành, trước đây cây “thần dược” ở núi này nhiều lắm, nhưng số lượng người khai thác ngày càng tăng cao nên đã cạn kiệt, tìm rất khó. Hiện nay, nhiều người đã đi đến các địa bàn khác để tìm loại cây này.
Sau 2 giờ lùng sục trên núi Hồng, chúng tôi chỉ tìm được một ít cây mật nhân bé tý mang về. Tác dụng của cây mật nhân chưa biết đến đâu, nhưng rõ một điều là nguồn dược liệu cũng như môi trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bài 2: “Viagra tự nhiên” là lời đồn nhảm
Thắng Quang