Dân Việt

Truyền hình trả tiền: Thiếu một quy chuẩn chung

22/08/2012 15:28 GMT+7
Hiện nay các đơn vị cung cấp Truyền hình trả tiền (THTT) vẫn đang sử dụng công nghệ cũ của những năm 50 thế kỉ trước. Nhiều lý do được đưa ra nhưng cũng khó có thể bao biện được cho tình trạng phí cao mà chất lượng dịch vụ quá kém.

Hiện nay các đơn vị cung cấp THTT vẫn đang sử dụng công nghệ cũ của những năm 50 thế kỉ trước. Nhiều lý do được đưa ra nhưng cũng khó có thể bao biện được cho tình trạng phí cao mà chất lượng dịch vụ quá kém.

80% sử dụng cáp đồng trục

Theo số liệu của Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện nay ở nước ta truyền hình trả tiền kỹ thuật số mặt đất có các đơn vị như Truyền hình KTS VTC, công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG cung cấp.

Các dịch vụ truyền hình cáp thì có khoảng trên 40 đơn vị cung cấp trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Dịch vụ truyền hình trả tiền vệ tinh hiện nay có 3 đơn vị cung cấp là VSTV (K+), VTC, AVG. Dịch vụ IP TV có 4 đơn vị cung cấp: VNPT, FPT, VTC, Viettel; Dịch vụ truyền hình di động (Mobile TV) hiện nay cung cấp chủ yếu trên cơ sở hạ tầng của các nhà mạng di động: Vinaphone, Mobilephone, Viettel và VTC.

Tuy nhiên, truyền hình cáp đồng trục hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất hơn 80%, sau đó đến IP TV, truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất.

Cáp đồng trục được xem là công nghệ cũ nhưng hiện chiếm hơn 80%. (Ảnh minh họa)
Cáp đồng trục được xem là công nghệ cũ nhưng hiện chiếm hơn 80%. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của TS. Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông: “Dịch vụ cáp đồng trục hiện nay là một vấn đề khá nhức nhối, mang tính manh mún, được tổ chức theo địa phương với sự tham gia của trên 40 đơn vị.

Có một số đơn vị lớn nhưng chủ yếu là các đơn vị nhỏ có vài ngàn đến vài chục ngàn thuê bao và công nghệ chủ yếu là công nghệ cáp đồng trục cũ của những năm 50 thế kỷ trước. Chất lượng của dịch vụ này không cao và chủ yếu là công nghệ Analog không thể thực hiện được dịch vụ tương tác hai chiều”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam còn đang là nước rất nghèo do đó phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. “Hiện nay, lựa chọn tốt nhất không phải là mạng cáp quang, cáp quang đắt quá không phù hợp với người Việt Nam. Chúng tôi nghĩ nó chỉ vào khoảng 10% là phù hợp.

Cáp đồng trục được các nhà mạng viễn thông lựa chọn hiện nay vừa làm Internet, vừa làm TH cáp, đặc biệt nó không bị nhiễu và rất bền ... Chúng ta hãy để việc lựa chọn cáp quang, cáp đồng hay cáp đồng trục cho các nhà mạng quyết định”.

Bao giờ thay đổi công nghệ cũ?

Theo Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh - truyền hình đến 2020 THTT sẽ phải số hóa. Tuy nhiên đến nay rất nhiều các đơn vị cung cấp vẫn “kiên trì” với công nghệ cũ. Lý do mà họ đưa ra đó là tận dụng mạng lưới cơ sở hạ tầng đã được xây dựng rộng lớn và “phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam”.

Trong khi đó, bản thân người dân khi sử dụng hiện nay lại đang có nhu cầu được sử dụng các dịch vụ hiện đại, có chất lượng tốt hơn, có tính tương tác cao hơn.

Anh Hoàng Văn Thái, giám đốc công ty thương mại và du lịch Hoàng Văn cho biết: “Chúng tôi đi ra nước ngoài có thể chọn kênh, yêu cầu kênh để xem với chất lượng hình ảnh rất cao. Về nước hỏi rằng có dịch vụ đó không thì được trả lời rằng không vì dùng cáp đồng trục rất khó để thực hiện. Trong khi đó phí truyền hình ở mình cũng không phải là thấp”.

Theo ông  Phan Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc của SCTV cho rằng: “ Việt Nam phát sóng số từ năm 2006 và thời gian phát song song như thế là quá dài. Do đó nhìn trong tổng thể xã hội thì chi phí để duy trì hệ thống và phát song song đó rất là tốn kém.

Nói chung nó cũng từ tiền của của đất nước mà thôi. Nếu đẩy nhanh được việc này thì nó sẽ góp phần làm dôi dư giúp cho sự phát triển của các phần khác trong đó có phát thanh truyền hình, có di động, mạng ... Đó là giá trị mà ta không thể xác định bằng tiền được”.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, “lộ trình số hoá đến năm 2020 không phải ý chí riêng của chúng ta mà là một cam kết quốc tế, kể cả các khu vực nghèo nhất của ASEAN cũng đã tham gia. Văn bản này đã được ký tại Hội nghị Bộ trưởng Thông tin giữa các nước ASEAN năm 2005. Nó vạch rõ lộ trình từ đây đến năm 2020 các nước trong khu vực là phải số hoá.

Ngay như Lào, Myanma, Philippines cho rằng rất khó khăn nhưng sau khi phân tích họ đều đồng tình. Thậm chí lúc đầu có nước như Singapore còn đề nghị mốc số hóa là đến 2015, nhưng một số nước thống nhất thực hiện hai bước đi là 2015 và 2020. Có thể nói đó là xu thế chung của cả thế giới. Chúng ta bây giờ phải làm quyết liệt mới có thể theo kịp lộ trình đó”.

Theo Kiến thức