Dân Việt

Sốt xuất huyết bùng phát dữ dội

02/08/2010 07:06 GMT+7
(Dân Việt) - Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đến thời điểm này đã có bốn người tử vong.
img
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum sáng 1-8.

Bệnh viện quá tải...

Đến ngày 1-8, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có 650 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó hơn 430 ca dương tính. TP. Huế là nơi có bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất (27/27 xã phường) với 368 ca, tập trung chủ yếu ở các phường Kim Long và Hương Long. Tại hai phường trọng điểm này đã có 2 người tử vong.

Theo Sở Y tế Thừa Thiên- Huế, so với năm 2009 (chỉ có hơn 20 ca mắc bệnh) thì năm nay bệnh sốt xuất huyết bùng phát dữ dội. Do số lượng bệnh nhân tăng đột biến nên hầu hết bệnh viện trên địa bàn tỉnh này đang quá tải. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện T.Ư Huế, mỗi ngày có trên 10 ca sốt xuất huyết được chuyển vào điều trị khiến bệnh nhân phải nằm tràn ra hành lang.

Bác sĩ Trần Bùi - Giám đốc Bệnh viện TP. Huế cho biết, không thể “nhét” thêm bệnh nhân nữa khi tại phòng bệnh, các bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường. Bác sĩ Đinh Quang Tuấn - Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện T.Ư Huế, cho hay khoa này có đến 50 bệnh nhi sốt xuất huyết đang nằm điều trị. Mỗi ngày khoa còn tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết, hơn một nửa trong số này phải nằm điều trị nội trú khiến khoa luôn quá tải.

Tại Bình Định, đến thời điểm này, sốt xuất huyết đã bùng phát ở tất cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Tính từ đầu năm tới nay, tỉnh Bình Định có đến 1.186 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 50%.

Người dân vẫn chủ quan

Ngày 1-8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo người dân đề phòng dịch bệnh trong mùa nóng. Hiện sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác do virus, vi khuẩn gây ra đang có xu hướng gia tăng. Địa bàn Hà Nội cũng đã bùng phát sốt xuất huyết. Ông Nguyễn Nhật Cảm – Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, mật độ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đã ở ngưỡng gây dịch. Thống kê trong tháng 7, trung bình Hà Nội xuất hiện 25-30 ca sốt xuất huyết/tuần.

Việc chủ quan không chỉ thể hiện ở phòng bệnh mà cả chữa bệnh. Tại Kon Tum, địa phương cũng đang có dịch sốt xuất huyết hoành hành, nhiều bệnh nhân không tới bệnh viện điều trị.

Vừa hoàn hồn vì suýt chút nữa mất đi cậu quý tử Lê Ngọc Bảo, bà Đỗ Thị Sen, 98 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP.Pleku cho biết: “Khoảng 10 ngày trước, cháu Bảo có triệu chứng đau đầu, gia đình cứ tưởng cháu chỉ bị sốt siêu vi nên mua thuốc hạ sốt thông thường cho cháu uống. Ai ngờ đâu 5 ngày sau cháu bị xuất huyết khắp người, bất tỉnh. Đưa đến viện, các bác sĩ cho biết chỉ cần nhập viện trễ ít giờ nữa là khó cứu”.

Bệnh nhân Nguyễn Thanh Quang (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch: nôn ra máu, tụt huyết áp, tụt tiểu cầu. Chị Đỗ Thị Thanh Hương- vợ anh Quang cho biết: “Khoảng nửa tháng trước, chồng tôi đột nhiên cảm thấy người lúc nóng, lúc lạnh. Chạy chữa từ bác sĩ tư được hay chỉ là sốt thông thường. Tự điều trị tại nhà cả tuần nhưng sức khoẻ nhà tôi cứ yếu dần cho đến khi bất tỉnh. May mà gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nếu không e không kịp nữa…”

Kon Tum hiện có hơn 50 bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, trong khi khả năng của khoa này chỉ tiếp nhận được khoảng 25-30 bệnh nhân. Trong điều kiện quá tải, bệnh viện đã tận dụng tối đa mọi khoảng trống, kể cả hành lang để kê thêm giường cho bệnh nhân, tăng cường 10 giường bệnh cho khoa Nhi để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế các tỉnh đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng tại các vùng có người mắc bệnh và cung cấp đầy đủ thuốc men, dịch truyền cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, do ý thức phòng chống dịch sốt xuất huyết của người dân còn kém nên dịch bệnh này tiếp tục lan rộng. Hơn nữa, mặc dù dịch sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội và có người tử vong nhưng các tỉnh vẫn không công bố dịch khiến công việc dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn.