Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (trái) và Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Minh Hoài (phải) trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân. |
Giải thưởng do Hội NDVN, Đài Tiếng nói VN, Hội NS&MT VN... phối hợp tổ chức.
Cổ vũ phong trào
Bà Phạm Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái cho biết: “Giải thưởng là niềm vinh dự và sự động viên, cổ vũ tinh thần rất lớn đối với cán bộ, hội viên ND trong tỉnh. Chúng tôi rất bất ngờ khi được bình chọn là 1 trong 86 tập thể được vinh danh và trao giải thưởng lần này.
Có thể, Hội đồng giám khảo giải thưởng xét đến yếu tố Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống”. Điều bà Nga nói là hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện nay, 100% thôn, bản của tỉnh Yên Bái có tổ chức Hội ND. Trong tổng số hơn 92.000 hội viên thì tới 47.000 hội viên đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp.
Tỉnh Yên Bái cũng có 2 ND trong số 9 ND SXKD giỏi được vinh danh, trao tặng giải thưởng “Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn” lần thứ nhất. Đó là ông Sa Công Mến, dân tộc Thái, ND trồng rừng giỏi của xã Đồng Khê (Văn Chấn) và ông Phạm Hồng Giang, ND chăn nuôi giỏi đến từ xã Mậu Đông (Văn Yên)...
Vươn ra thế giới
Khi người dẫn chương trình xướng tên những ND SXKD giỏi lên sân khấu nhận giải thưởng thì dưới sâu khấu từng tràng pháo tay của khán giả vang lên không dứt. Một phần là thiện cảm, chia sẻ nhọc nhằn, vất vả với ND, phần khác là họ đã đóng góp lớn cho xã hội chính nhờ sức bật từ ruộng đồng.
Nhiều người biết ông Võ Văn Hớn (Sáu Hớn), huyện Chợ Lách, Bến Tre, bởi ông có nhiều sáng kiến, tìm tòi, áp dụng KHKT để nâng cao hiệu quả thâm canh chôm chôm. Ông đã tìm tòi cho chôm chôm ra trái nghịch vụ và rải đều trong 3 tháng 10, 11, 12 - thời điểm hoa quả trên thị trường khan hiếm, giá bán cao.
Ông cũng là một trong số ít ND ở ĐBSCL áp dụng thành công phương pháp trồng chôm chôm đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). “Chôm chôm của gia đình tôi chưa bao giờ bị đối tác trong và ngoài nước trả lại”- ông cho biết.
Ông Võ Hồng Ngoãn- chủ trang trại nuôi tôm sú ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) cũng là một ND nổi tiếng và rất có duyên với các giải thưởng. Giải thưởng lần này và nhiều Cúp vàng, Huy chương vàng trong các kỳ hội chợ chính là ghi nhận nỗ lực tìm tòi của ông để cho ra đời quy trình nuôi tôm sú sạch với mật độ thưa, không sử dụng thuốc kháng sinh và hoá chất.
Ông Ngoãn cũng vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu tôm sú sạch độc quyền. Ông Ngoãn khẳng định: “Thời buổi hội nhập, an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu. Quan điểm của tôi là theo đuổi lợi nhuận bền vững, lâu dài chứ không chạy theo sản lượng nhất thời...”.
Trong số 9 ND được vinh danh tại lễ trao giải thưởng, anh Nguyễn Văn Tuyên ở thôn Tây An, xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) là người trẻ nhất. Năm nay anh Tuyên 29 tuổi, đến với nghề nuôi dế cỏ cách đây 4 năm. “Lần đầu, mua 2 triệu tiền dế giống, chưa có kinh nghiệm, kiến thức nên dế chết sạch.
Em phải gọi điện thoại trực tiếp vào các tỉnh miền Nam cậy nhờ các bậc đàn anh trong nghề. Tốn rất nhiều tiền điện thoại em mới thành công đấy...”- anh Tuyên thổ lộ. Mỗi tháng trại dế cỏ Phú Khang do anh làm chủ lãi 40-50 triệu đồng. Nhiều thanh niên trẻ trong và ngoài tỉnh đến nhờ anh bày cho cách nuôi dế cỏ...
Nguyễn Công