Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố điểm sàn của kỳ thi đại học năm nay thì cũng là lúc trên nửa triệu thí sinh thi trượt đại học bắt đầu hoang mang lo lắng về tương lai của mình. Những năm trước, khi biết mình trượt đại học, có em đã tìm đến cái chết.
Hàng năm, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, chúng ta lại đón nhận những tin không mấy vui từ những cái chết lãng xẹt đó. Có em, do áp lực từ gia đình đã tìm đến cái chết nhưng cũng có em, do mặc cảm với bạn, cũng đã tự kết liễu đời mình. Thậm chí có những em học rất giỏi, nhưng vì một sơ sẩy nhỏ, điểm không đủ để đỗ nguyện vọng 1, cũng tìm đến cái chết. Đây là những hành động vô cùng nông nổi và dại dột. Có lẽ chưa có nước nào mà học sinh phải tự tử hoặc bị tâm thần do thi trượt đại học (ĐH) như nước ta cả. Vì sao?
Trước hết là do áp lực từ phía gia đình, lý do này chiếm tỷ lệ cao nhất. Chúng ta đều biết, trong số gần 1 triệu thí sinh dự thi ĐH hằng năm ấy, có đến trên 80% là con em nông dân hoặc những tiểu thương hay gia đình viên chức nghèo. Vì nghèo nên các bậc phụ huynh luôn đặt kỳ vọng vào sự học của con. Cũng bởi vì quá tin rằng học ĐH là con đường duy nhất để thay đổi phận nghèo nên một khi con thi trượt, lập tức cha mẹ thay đổi thái độ và cách hành xử với con.
Có những bậc cha mẹ, nhẹ thì “lạnh lùng”; nặng nề hơn thì chì chiết, nhiếc mắng. Đứa trẻ vừa trải qua 12 năm ù tai điếc óc vì chuyện học, giờ lại bị cha mẹ “kỳ thị”, vậy nên các em giải quyết “mâu thuẫn” ấy bằng cái chết chứ không còn con đường nào khác nếu như em học sinh đó cạn nghĩ.
Thứ hai là, chúng ta không tạo điều kiện tốt nhất để mở “cửa thoát hiểm” cho số thí sinh thi trượt. Các trường dạy nghề mọc lên như nấm sau mưa nhưng chưa đủ để hấp dẫn số thí sinh chẳng may mắn này. Là bởi, ngay cả những em tốt nghiệp ĐH kia vẫn còn loay hoay để tìm việc huống hồ gì là tốt nghiệp trường nghề? Mà học được nghề rồi, ra “làm nghề” rồi nhưng đồng lương không đủ sống thì học nghề để làm gì đây? Điều đó buộc các em phải quay lại với quan niệm cũ: Học ĐH mới là phao cứu sinh duy nhất để cứu đời mình!
Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin buồn nào về việc tự tử do trượt ĐH. Chúng ta hy vọng rằng chuyện buồn ấy sẽ không xuất hiện trong năm nay và những năm tiếp theo... Điều mà người lớn và xã hội nên nói với các em lúc này là, có trăm nẻo để vào đời chứ không cứ gì phải vào ĐH. Đừng chết dại dột vì lý do thi trượt.
Hà Nhiên