Niềm vui gia đình đoàn tụ của các ngư dân. (Ảnh chụp ngày 2-8) |
Kết thúc chuyến đi sinh tử
Địa điểm đón ngư dân được chọn là UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Hầu hết những ngư dân bị nạn quê ở đây. Dù biết phải hơn 13 giờ (ngày 2-8) ngư dân mới trở về, nhưng những bà mẹ, người vợ của họ vẫn cứ ra đây chờ trông từ trưa. Chúng tôi còn nhớ, hôm nghe tin chồng bị nạn, chị Trương Thị Kiều (26 tuổi) ôm đứa con trai Nguyễn Quốc Hào chết ngất. Nay gương mặt vẫn còn hốc hác, nhưng chị cười tươi thật sự.
Chị kể trưa hôm qua, chồng chị - ngư dân Nguyễn Quốc Hận - gọi điện về báo tin. Cả một đêm chị không ngủ, hồi hộp, vui mừng và cả lo âu. Chị lo bởi anh Hận vốn bị bệnh dạ dày, mà mấy ngày ở nơi đất khách, không biết có được ăn uống đầy đủ hay không. Thế nhưng mừng quá, nước mắt chị chảy ra. Trưa nay cả chị của cu Hào là Nguyễn Thị Anh Thư (9 tuổi) cũng theo mẹ ra đón ba.
Cu Hào phụng phịu dặn mẹ: Con nhớ ba nhất, nên khi nào ba về tới là con ôm ba trước. Và quả thật, khi xe chở 23 ngư dân về đến sân UBND xã Bình Châu, cu Hào vọt lên ôm ba thật chặt, như thể sợ ai giành mất. “Ba đừng đi biển nữa, ở nhà với con nghe ba” - Hào gào lên. Anh Hận nghe lời con mà òa nước mắt.
Chị Phạm Thị Thủy, vợ anh Tiêu Viết Phụng (đi tàu QNg-55940 của anh Nguyễn Văn Tẩn, thôn Châu Thuận ở xã Bình Châu), trong khi ngồi chờ chồng cứ lúc khóc, lúc cười như con nít. Chị bảo: Anh Phụng nói đi chuyến biển này là kiếm tiền lo trang trải cho 3 đứa con chuẩn bị tựu trường. Nhưng thôi. Người còn thì của còn, vợ chồng cố gắng bươn chải thì chắc con cái cũng không đến nỗi thất học.
Với 23 ngư dân thoát chết trở về, hoà mình trong sự mong ngóng của bà con, trong vòng tay thương yêu của người thân, ai cũng có cảm giác như đã trải qua một chuyến biển có lẽ dài nhất trong đời họ. Có người còn bảo, họ như được sinh ra lần thứ hai. Họ phần lớn là thợ lặn, bình thường đi chuyến biển dài nhất là 20 ngày. Còn chuyến vừa rồi đến 1 tháng 15 ngày.
Khóc người không trở về
Trong dòng người ra đón ngư dân trở về, chúng tôi chú ý đến một người phụ nữ có làn da đen sạm. Khác với mọi người đang vui vẻ, chị âm thầm ngồi một mình. Rồi khi xe chở 23 ngư dân trở về, chị cũng ùa ra tìm người thân. Thế nhưng, trong lúc ai cũng ôm chầm lấy người thân, hớn hở, thì chị phụ nữ ấy lại bật oà lên khóc nức nở.
Chúng tôi đến gần hỏi thăm, mới hay chị tên Đặng Thị Lan, từ xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) ra đây nghe ngóng tin chồng. Chồng chị là Nguyễn Ngọc Vỹ, từ Khánh Hoà theo ghe QNg 55 940 TS của anh Nguyễn Văn Tẩn ra xã Bình Châu đi biển.
Thế rồi giữa tháng Bảy này, chị nghe tin sét đánh: Anh Vỹ bị mất tích trong bão biển đêm 16-7. Vì thế, chị gửi hai đứa con thơ, tức tốc ra xã Bình Châu để ngóng tin chồng. Vậy mà đã mấy chuyến ngư dân trở về, chuyến nào cũng không có mặt chồng chị. Chấp hai bàn tay chai sạn, chị Loan khấn trời trong niềm tuyệt vọng.
Những người không về trong chuyến biển hãi hùng vừa qua, không chỉ có chồng chị Loan mà còn 12 người khác nữa. Mỗi gia đình là một số phận hẩm hiu khi người thân mình nằm lại biển cả.
Phạm Anh